Thay vì gây nên trận bão từ mạnh trên khắp hành tinh cơn gió mặt trời mạnh nhất trong 4 năm qua chỉ tạo ra những trận bão từ nhỏ ở bán cầu bắc.
Một luồng hạt mang điện tích khổng lồ di chuyển về phía trái đất với tốc độ 900 km/giây sau khi một vùng tối trên mặt trời phun ra bức xạ cực tím rất mạnh hôm 15-2.
Cực quang phía trên làng Ersfjordbotn ở miền bắc Na Uy hôm 13-2, khi bão từ chưa mạnh. AFP dẫn lời Dean Persnell, một nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), nói rằng gió mặt trời có thể gây nên một trận bão từ lớn khi các hạt mang điện tích tiếp xúc với từ trường trái đất. Trận bão từ có thể làm nhiễu sóng radio, cản trở hoạt động của các vệ tinh định vị toàn cầu và thậm chí có thể gây mất điện.
Trên thực tế, gió mặt trời hôm 15-2 bay gần cực bắc, tạo nên cực quang và làm tê liệt một số hệ thống viễn thông trên thế giới. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc thông báo gió mặt trời gây nên “nhiễu loạn bất ngờ ở tầng điện ly” phía trên Trung Quốc và cản trở sóng radio ngắn ở miền nam. Trong khi đó, Cục Địa chất Anh khẳng định ba luồng gió mặt trời đang tiến về trái đất và chúng tạo nên cực quang mạnh ở Bắc Cực từ ngày 17-2.
Cơ quan Dự báo thời tiết vũ trụ của Mỹ cảnh báo tình trạng gián đoạn liên lạc tại Trung Quốc mới chỉ là sự khởi đầu của một trận bão khủng khiếp. Nhưng Persnell nói tình hình không quá nghiêm trọng, bởi luồng hạt khổng lồ thoát ra từ mặt trời hôm 15-2 không đâm thẳng vào trái đất, mà chỉ bay sượt qua.
“Trong trường hợp này, có vẻ như nó sẽ bao vây trái đất, chứ không tấn công trực tiếp”, ông nói.
Persnell dự đoán các nước gần cực bắc, như Na Uy và Canada, sẽ hứng chịu tác động của bão từ trong những ngày tới.
Theo VNE