Đội mũ bảo hiểm cho trẻ em: Nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà trường, phụ huynh học sinh...

Cập nhật: 16-03-2016 | 09:08:47

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, tính trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT), trong đó có đến 35% là trẻ em (TE). TNGT là nguyên nhân thứ hai dẫn đến tử vong sau đuối nước ở lứa tuổi từ 0 - 19 tuổi và là nguyên nhân hàng đầu gây thương tích TE.

Đội MBH cho con là hành động nhằm rèn luyện ý thức cho con trẻ cũng như bảo vệ trẻ trước TNGT Ảnh: THANH LÊ

Theo báo cáo, đa số các vụ TNGT xảy ra đều có liên quan đến mô tô, xe gắn máy. Do đó, việc bảo vệ an toàn cho TE khi tham gia giao thông được đặc biệt quan tâm và đưa vào hệ thống văn bản pháp luật. Tuy nhiên, do ý thức của người lớn chưa cao nên vấn đề bảo vệ TE, trong đó có việc đội mũ bảo hiểm (MBH) cho TE khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy chưa được thực sự quan tâm. Thực tế, còn rất nhiều phụ huynh tỏ ra thờ ơ trước quy định này nên họ sử dụng MBH cho con, em mình chỉ mang tính đối phó, MBH kém chất lượng, hoặc đội MBH chưa cài quai đúng quy cách. Và mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, nhưng tại nhiều địa phương, ý thức của người lớn trong việc đội MBH cho TE khi tham gia giao thông vẫn chưa được nâng lên.

 “Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại các trường học và đối với phụ huynh học sinh nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà trường, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh học sinh. Cần có các đợt cao điểm tuyên truyền kết hợp với xử lý triệt để việc không đội MBH và huy động sự tham gia vào cuộc của các đơn vị, tổ chức trong công tác tài trợ, tặng MBH đối với TE. Khi xử lý đối với những trường hợp vi phạm phải có thái độ nghiêm túc, chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, quy trình công tác..”, chuyên gia Nguyễn Quang Nhật, Cục CSGT, Bộ Công an chia sẻ.

Thực hiện các chỉ đạo, kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) và UBND tỉnh, thời gian qua Ban ATGT tỉnh đã có kế hoạch, văn bản chỉ đạo về tuyên truyền, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội MBH đối với TE. Trong đó đã tập trung chỉ đạo lực lượng CSGT phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, nhà trường và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đội MBH cho TE. Đồng thời, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và xử lý vi phạm quy định của pháp luật về đội MBH cho TE.

Tuy nhiên, theo các lực lượng thực thi nhiệm vụ, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc xác định độ tuổi của các em học sinh vi phạm. Hiện CSGT chỉ làm đúng theo quy định chứ không kiểm tra các loại giấy tờ khác như giấy khai sinh, hộ khẩu... Bên cạnh đó, thời gian qua việc xử lý vi phạm đôi khi làm ảnh hưởng đến thời gian đến trường của các em. Tâm lý của nhiều em học sinh là khi bị CSGT xử phạt thì hay lo sợ, khóc lóc nên đã gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ.

Nhiều học sinh đi xe đạp điện dưới 14 tuổi khi vi phạm biết mình không bị phạt tiền nên có thái độ xem thường, chưa tự giác chấp hành quy định đội MBH. Cùng với đó một số phụ huynh đã tỏ thái độ bất hợp tác như nói dối tuổi con, em; đưa ra nhiều lý do để bao biện cho hành vi vi phạm không đội MBH cho con, em của mình...

Mới đây (ngày 12-3), tại hội thảo trao đổi kinh nghiệm với lực lượng thực thi công vụ (CSGT, cảnh sát trật tự) về thực hiện quy định của pháp luật về đội MBH cho TE do Ban ATGT tỉnh và Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) phối hợp tổ chức tại TP.Thủ Dầu Một, chuyên gia Nguyễn Quang Nhật, Cục CSGT, Bộ Công an đã chia sẻ một số kinh nghiệm về tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức tại cộng đồng và trong trường học về đội MBH cho trẻ em.

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Nhật, trước tiên cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại các trường học và đối với phụ huynh học sinh nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của nhà trường, các thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh học sinh. Cần có các đợt cao điểm tuyên truyền kết hợp với xử lý triệt để việc không đội MBH và huy động sự tham gia vào cuộc của các đơn vị, tổ chức trong công tác tài trợ, tặng MBH đối với TE. Khi xử lý đối với những trường hợp vi phạm phải có thái độ nghiêm túc, chấp hành nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, quy trình công tác...

Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần sự quyết tâm đồng bộ của các lực lượng chức năng, các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng ý thức chấp hành các quy định của pháp luật mà bước đầu là việc đội MBH khi tham gia giao thông. Việc tập trung xử lý nghiêm vi phạm quy định về đội MBH đối với TE tham gia giao thông sẽ tác động đến các tầng lớp trong xã hội, thể hiện văn hóa giao thông và giảm chấn thương sọ não, giảm thương vong, thiệt hại do TNGT gây ra đối với TE. Các cơ quan thông tin đại chúng nên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với những nội dung và hình thức phong phú hơn, kết hợp với việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính...

* Ông NGUYỄN HỮU TUẤN, Phó Giám đốc Sở GT-VT, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh:

Hiện nay, ý thức chấp hành đội MBH của người dân khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe máy, mô tô đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ý thức chấp hành quy định đội MBH cho TE của người lớn khi đi mô tô, xe gắn máy vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng TE dưới 6 tuổi không đội MBH còn xảy ra phổ biến. Một trong những biện pháp để nâng cao ý thức trách nhiệm của việc đội MBH cho TE của người lớn khi tham gia giao thông đó là lực lượng CSGT phải tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm theo quy định về đội MBH cho TE khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy…

 

 PHI LONG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên