Giám sát và tham gia phản biện xã hội: Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ

Cập nhật: 03-12-2011 | 00:00:00

Chưa nhiệm kỳ nào, nhiệm vụ tham gia xây dựng, phản biện xã hội (PBXH) và giám sát (GS) được coi trọng như nhiệm kỳ 2011-2016. Nhiệm vụ này chỉ đứng sau nhiệm vụ nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, phát huy giá trị đạo đức cho phụ nữ (PN). Đây được xem là một trong những công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em.

Bà Đoàn Thị Diệu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết mục tiêu đặt ra cho quá trình thực hiện nhiệm vụ này là phát huy tốt vai trò đại diện của từng thành viên trong việc tham gia xây dựng, PBXH và GS việc thực hiện luật pháp chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho PN, trong đó chú trọng PN nông thôn và nữ công nhân lao động. Theo đó, giải pháp thiết thực là thành lập Ban Luật pháp- Chính sách; đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kiến thức, năng lực về công tác tham mưu GS, PBXH cho đội ngũ cán bộ hội. Đồng thời, phát huy vai trò của PN là thành viên của các ban, hội đồng... tham gia GS việc thực hiện chế độ, chính sách đối với PN và trẻ em, như đấu tranh và có biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của PN; hỗ trợ để PN tham gia nâng cao khả năng tự bảo vệ mình...

 

Khi quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ được bảo vệ, chị em sẽ gắn bó, thiết tha với công việc của mình hơn

Nói về nhiệm vụ này, bà Trương Thị Đẹp, giảng viên trường Cán bộ PN Trung ương II, khẳng định đối với Hội LHPN Việt Nam, GS không chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm GS theo quy định của pháp luật mà còn thực hiện có hiệu quả chức năng dân chủ, đại diện cho các tầng lớp PN, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vai trò, trách nhiệm của hội trong tham gia quản lý Nhà nước và PBXH đối với chính sách, pháp luật. Kết quả GS chính là đầu vào quan trọng cho hoạt động tham gia xây dựng, đề xuất chính sách, pháp luật và PBXH đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và chính sách. Đồng thời là kinh nghiệm quý báu cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải quyết đơn thư. 

Chị Nguyễn Thị Phụng, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân An, TX.TDM nói thêm: “Là một cán bộ hội, tôi rất mừng khi GS và tham gia PBXH được chú trọng. Tôi biết rằng, quyền và lợi ích chính đáng của chị em PN đã được bảo vệ. Bởi thời gian qua, ít nhiều chị em PN bị thiệt thòi, nhất là những chị em ở nông thôn, trình độ dân trí thấp”. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Mỹ, TX.TDM cùng chung quan điểm với chị Phụng: “Thực hiện nhiệm vụ GS và PBXH, chúng tôi sẽ hỗ trợ chị em nâng cao khả năng tự bảo vệ mình. Cụ thể là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục cho chị em PN, trong đó tập trung vào bình đẳng giới và hôn nhân gia đình”. 

Bà Đoàn Thị Diệu Hiền nhấn mạnh để làm tốt nhiệm vụ GS, PBXH, Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức 7 lớp tập huấn chuyên đề GS và tham gia PBXH cho khoảng 750 chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN 7 huyện, thị và chi hội trưởng chi hội PN trên địa bàn. Theo đó, các cán bộ hội được nghiên cứu sâu về GS. Cụ thể là GS việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới gồm mục đích GS, các bước tiến hành GS (chuẩn bị GS; tổ chức GS; xử lý thông tin GS; viết báo cáo GS; văn bản đề xuất, kiến nghị chính sách hoặc sửa đổi, bổ sung quy phạm pháp luật). Tham gia PBXH gồm: khái niệm, cơ sở lý luận để hội thực hiện PBXH; mục đích của PBXH; nguyên tắc của PBXH; phạm vi PBXH; cách thức PBXH; những vấn đề hội quan tâm khi PBXH; quy trình PBXH.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=342
Quay lên trên