Gian nan... hàng Việt!

Cập nhật: 06-05-2013 | 00:00:00

Kỳ 1: Rào cản ngày càng nhiều!

Do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nên mấy năm gần đây doanh nghiệp (DN) trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa. Theo nhiều DN cho biết, khó khăn lớn nhất là các nước trong khu vực đã dựng lên nhiều rào cản kỹ thuật để ngăn hàng Việt thâm nhập; còn trong nước thì DN phải cạnh tranh gay gắt với những mặt hàng cùng chủng loại từ những người anh em…

Giá trị sản xuất vẫn tăng

Nhìn lại năm 2012, tuy tình hình kinh tế cả trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng sản phẩm của tỉnh (GDP) vẫn tăng 12,5%. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp (CN-DV-NN) đạt tỷ trọng tương ứng là 62% - 34,2% - 3,8% (kế hoạch (KH) 62% - 34,4% - 3,6%); GDP bình quân đầu người đạt 44,2 triệu đồng (KH 43 triệu đồng). Nếu tính cụ thể từng lĩnh vực thì, CN tăng 14,2%; DV tăng 20,8%; kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng 16%. Bước sang quý I-2013, tình hình kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, nên tình hình kinh tế của tỉnh vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm (GDP) quý I của tỉnh ước tăng 7,6%, trong đó CN tăng 5,1%; DV tăng 12,6%; KNXK tăng 15,7%.

Công nhân Công ty Gạch cao cấp M&C chăm chút từng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu  ngày càng cao của người tiêu dùng

Nhìn vào những con số nói trên, rõ ràng giá trị sản xuất trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh đều tăng mạnh. Tuy nhiên, theo nhiều DN thì hàng hóa tồn kho vẫn còn nhiều. Nguyên nhân là do hàng Việt ngày càng khó thâm nhập thị trường các nước vì vướng nhiều rào cản kỹ thuật do các nước dựng lên. Quay trở về với thị trường nội địa thì DN gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ những mặt hàng cùng chủng loại của những DN đã có thời gian gắn bó và am hiểu thị trường này.

Khó đáp ứng yêu cầu thị trường

Mặc dù Bộ Công Thương đã ban hành và thường xuyên cập nhật danh mục máy móc thiết bị trong nước đã sản xuất được, nhưng một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Ban Quản lý dự án các tỉnh sử dụng ngân sách, vẫn ưu tiên cho sản phẩm cơ điện nhập ngoại khi mua sắm thiết bị. Điều này thể hiện rõ trong việc ban hành thang điểm xét thầu, sản phẩm sản xuất trong nước chỉ có thể bán với giá bằng 50 - 55% sản phẩm cùng loại nhập khẩu, làm DN trong nước đã có khó khăn càng khó khăn hơn, đi ngược lại với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị!

(Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai)

Theo đánh giá của nhiều DN, thị trường châu Âu hiện vẫn đang “án binh bất động” vì khủng hoảng, thị trường Mỹ đang trong giai đoạn hồi phục nhẹ, còn thị trường các nước khu vực châu Á vẫn chưa có gì khởi sắc, nên dự đoán số lượng hợp đồng xuất khẩu hàng hóa năm 2013 của các DN xuất khẩu Bình Dương có nguy cơ sụt giảm.

Theo báo cáo của Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, ngoài các DN như Công ty TNHH Minh Long I, DNTN Gốm sứ Đại Hồng Phát, DNTN Gốm Trung Nguyên, Công ty TNHH Cường Phát đã ký kết được hợp đồng xuất hàng đến tháng 5-2013, đạt 100% so cùng kỳ, hầu hết các DN còn lại đều sụt giảm từ 20 - 30% số lượng đơn hàng so với cùng kỳ. Tương tự, các DN ngành gỗ cũng gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa. Bà Đỗ Thị Kim Loan, Giám đốc Công ty Sao Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến Gỗ Bình Dương, cho biết: “Năm 2013, sức tiêu thụ sản phẩm ngành gỗ sụt giảm. Nguyên nhân là do một số mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam gặp rào cản do các đạo luật mới của khối liên minh châu Âu về vấn đề truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ. Với nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng hiện nay, chúng ta đang thiếu chứng từ về nguồn gốc, khiến DN gặp khó khăn về đầu ra. Riêng thị trường Mỹ có xu hướng tăng sản lượng tiêu thụ từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng đây là thị trường khó tính bởi có nhiều rào cản nghiêm ngặt, đòi hỏi sản phẩm phải đạt chất lượng cao, được sản xuất bởi công nghệ sản xuất tiên tiến, đơn hàng lớn... Trong khi đó đa số DN gỗ ở Bình Dương đều có công nghệ lạc hậu, công suất máy móc nhỏ, nên khó đáp ứng được yêu cầu đối tác đặt ra”.

Cạnh tranh ngay tại “sân nhà”

Trước tình hình thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, một số DN lâu nay chuyên làm hàng xuất khẩu mạnh dạn quay trở về với thị trường trong nước. Tuy nhiên, tại “sân nhà” họ cũng gặp những khó khăn như thủ tục hành chính rườm rà, cạnh tranh gay gắt từ những mặt hàng cùng chủng loại của những DN cùng ngành nghề đã có thời gian gắn bó và am hiểu thị trường này. Ông Lê Hồng Phoa, Giám đốc Công ty May Bình Dương - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết: “Công ty chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong phát triển thị trường nội địa. Muốn mở một cửa hàng bất kể ở đâu, công ty đều phải làm 1 bộ hồ sơ. Nếu mỗi tỉnh chúng tôi mở 5 cửa hàng, với 60 tỉnh, thành phải làm đến 300 bộ hồ sơ. Chưa hết, cứ hàng tháng, quý, năm, mỗi cửa hàng phải làm 1 bộ hồ sơ báo cáo thuế. Bán không được bao nhiêu hàng mà phải cắt cử 1 kế toán loay hoay với các báo cáo thuế thì làm sao có lãi. Nếu được tập trung các cửa hàng về công ty mẹ để báo cáo thuế, đóng thuế, còn các cửa hàng con chỉ lo bán hàng thì quá tốt…”.

Ngoài khó khăn về thủ tục hành chánh, tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng cũng là rào cản góp phần làm suy yếu sức cạnh tranh của DN trong nước. Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, lo lắng: “Do không có bất kỳ hàng rào kỹ thuật kiểm soát chất lượng sản phẩm, nên phát sinh tình trạng các mặt hàng cơ điện chất lượng kém từ Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. Riêng sản phẩm Tổ Máy phát điện, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng nhiều nhà cung cấp tại Singapore, lấy hàng từ Trung Quốc, dán nhãn lắp ráp tại Singapore rồi nhập vào Việt Nam bán với giá cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước”.

Kỳ tới: Những doanh nghiệp vượt rào hiệu quả!

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=284
Quay lên trên