Giáo dục mầm non cho con em công nhân: Cần được tạo điều kiện them

Cập nhật: 18-05-2013 | 00:00:00

Bình Dương là một trong những địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu với lượng rất lớn lao động từ các nơi đến sinh sống và làm việc. Theo đó, nhu cầu gửi trẻ của con em công nhân cũng ngày càng cao. Chính vì thế, giáo dục mầm non cho con em công nhân rất cần được tạo thêm nhiều điều kiện tốt để phát triển sâu rộng hơn.

Giải tỏa áp lực cho trường công

Toàn tỉnh hiện có 212 trường mầm non (cả công lập và tư thục) và 175 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, nuôi dạy trên 70.000 trẻ, trong đó có hơn 36.000 cháu học trường ngoài công lập, chiếm 50,8%. Ngoài ra còn 2.134 nhóm lớp nhà trẻ, mẫu giáo tư thục. Theo bà Nguyễn Thị Thu Vân, chuyên viên Phòng Giáo dục mầm non Sở GD-ĐT, nhóm trẻ gia đình, trường mầm non tư thục ngày càng tăng. Sự phát triển này đã góp phần giải tỏa áp lực cho các trường công lập, tạo điều kiện thuận lợi để phụ huynh gởi trẻ, yên tâm công tác. Tuy nhiên, các trường mầm non vẫn rơi vào tình trạng “cung không đủ cầu”. Nguyên nhân là do dân số cơ học tăng nhanh, số dân nhập cư về Bình Dương ngày càng đông, khiến nhiều phụ huynh có con em trong độ tuổi mầm non cũng loay hoay tìm nơi gửi trẻ và không phải ai cũng được gửi con ở các trường công lập. Chị Phạm Thị Hoài (ngụ xã Tân Định, huyện Bến Cát) bày tỏ: “Là công nhân tạm trú, con tôi 3 tuổi không chen chân vào được các trường mầm non công lập, đành phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình hoặc các trường tư thục”.

Xây dựng trường mầm non cho con công nhân - giải pháp giữ người lao động, góp phần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục. Trong ảnh: Lớp học cho con công nhân tại Công ty Hài Mỹ (P.Bình Chuẩn, TX.Thuận An)

Thực tế cho thấy, nhu cầu gửi trẻ là rất lớn và mô hình nhóm trẻ gia đình ra đời là một điều tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, thời gian qua việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, mẫu giáo, nhà trẻ cho con em công nhân đã được nhiều công ty, doanh nghiệp tại Bình Dương quan tâm đầu tư đúng mức như công ty Hài

 Mỹ, Công ty Shyang Cheng, Công ty May Quốc tế, Công ty Yazaki… không những góp phần đáng kể trong việc huy động trẻ ra lớp mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với công ty.

Là một trong những công ty có số lượng lao động khá lớn (6.000 công nhân) trong đó công nhân nữ chiếm 72%, từ đầu năm 2012 Công ty TNHH Hài Mỹ (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) đã đầu tư xây dựng cơ sở mầm non cho con công nhân trong khuôn viên công ty. Sự ra đời của cơ sở này đã mang lại niềm vui cho rất nhiều gia đình. Hiện cơ sở đang tiếp nhận giữ 185 trẻ là con của công nhân đang làm việc tại công ty. Cơ sở có 7 phòng học đều được thiết kế theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Chị Nguyễn Thị Hồng Duyên, quản lý cơ sở mầm non Hài Mỹ cho biết: “Các cháu đi học tại cơ sở mầm non Hài Mỹ chỉ đóng một khoản phí duy nhất là tiền ăn 20.000 đồng/ngày, các khoản phí khác được công ty hỗ trợ hoàn toàn”. Cùng với nhu cầu gửi trẻ ngày càng lớn của công nhân, từ đầu năm 2008 Công ty May Quốc tế (xã An Điền, huyện Bến Cát) đã xây dựng cơ sở mầm non đáp ứng nhu cầu của 104 trẻ em là con của công nhân đang làm việc tại đây. Chị Nguyễn Hồng Thương Ca, quản lý cơ sở mầm non này cho biết, công ty hiện có 570 công nhân, trong đó 90% là nữ, toàn bộ các khoản phí như tiền ăn cho trẻ, học phí, mua sắm thiết bị, đồ chơi… cho trẻ đều do công ty chi trả. Một cán bộ công đoàn của công ty cho biết: “Cái được lớn nhất của chúng tôi là xây dựng được mối quan hệ thân thiện với 570 lao động. Từ khi cơ sở hoạt động đến nay, chúng tôi chưa phải đối mặt với vụ tranh chấp tập thể gay gắt nào, người lao động lại an tâm làm việc nên năng suất lao động cao hơn trước!”.

Theo ghi nhận, trong bối cảnh khan hiếm nguồn cung lao động, một số doanh nghiệp có đông lao động trên địa bàn, nhất là lao động nữ cũng đang chủ động lên kế hoạch xây dựng các trường, cơ sở giáo dục mầm non để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Cần chính sách hỗ trợ nhiều hơn

Chị Nguyễn Thị Hồng Duyên, quản lý cơ sở mầm non Hài Mỹ băn khoăn: “Hiện cơ sở đang hoàn thành thủ tục để phát triển thành trường tư thục nhưng do công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài và mục đích của quỹ đất công ty là sử dụng cho sản xuất, kinh doanh nên khi tách đất để lên trường mầm non tư thục thì công ty gặp nhiều khó khăn do vướng vào các thủ tục; đến nay vẫn đang chờ”.

Tại Điều 116 Bộ luật Lao động quy định: “Ở những nơi sử dụng nhiều lao động nữ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giúp đỡ, tổ chức nhà trẻ, mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi mẫu giáo”. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị

 Minh Tâm (Phó phòng giáo dục mầm non - Sở GD-ĐT Bình Dương) cho biết, việc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện theo điều luật này chưa nhiều so với nhu cầu thực tế. Bởi, khi một doanh nghiệp muốn xây dựng nhà trẻ thuộc diện chính sách xã hội không phải là chuyện đơn giản vì còn phụ thuộc vào đất đai, con người, chính sách... Mặt khác, theo quy định trường mầm non phải nằm ngoài khu công nghiệp, trong khi đó quỹ đất sạch để xây dựng cho việc xây nhà trẻ không có.

Trước nhu cầu thực tế gửi trẻ ngày càng lớn, nhằm khuyến khích việc các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết: “Quyết định về việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cũng đã nhấn mạnh: Tạo quỹ đất sạch để vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng trường mầm non công lập tại các vùng khó khăn. Đồng thời, có cơ chế quy định xây dựng trường mầm non trong các khu công nghiệp. Trước mắt, cần sử dụng phần tỷ lệ hợp lý đất dành cho mảng xanh của các khu công nghiệp để xây dựng các trường mầm non dành cho con công nhân. Với dự án xây dựng trường mầm non thì Sở GD-ĐT sẽ tham mưu cho Ban Quản lý các khu công nghiệp về quy mô trường lớp, phân bổ giáo viên, quản lý nhà trường...”.

 Như vậy, với thực trạng quá tải tại các trường mầm non công lập hiện nay thì sự tồn tại và phát triển của trường mầm non ngoài công lập, đặc biệt là các cơ sở mầm non của các công ty là một hướng đi trong quá trình xã hội hóa giáo dục, góp phần giảm gánh nặng cho kinh phí Nhà nước. Tuy nhiên, để các cơ sở đó bảo đảm chất lượng nuôi trẻ và phát triển mạnh mẽ hơn, bên cạnh tăng cường các biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi hơn nữa về kinh phí đầu tư, đào tạo giáo viên. Đó cũng là động lực để thúc đẩy phong trào xã hội hóa giáo dục phát triển đi đôi với bảo đảm chất lượng.

 

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X