Hợp tác phát triển du lịch sông nước Bình Dương - Đồng Nai: Một hướng đi mới để phát triển ngành du lịch tỉnh nhà

Cập nhật: 04-09-2013 | 00:00:00
Bình Dương và Đồng Nai là 2 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai là 3 địa phương phát triển nhất vùng được xem là vùng tam giác phát triển. Bình Dương và Đồng Nai có vị trí tiếp giáp nhau, sông Đồng Nai được xem là ranh giới hành chính, đồng thời cũng là tài nguyên chung của 2 tỉnh, ngoài việc có giá trị lớn về cung cấp nước tưới cho nền nông nghiệp, giao thông - vận tải đường thủy, cung cấp thủy sản cho nhân dân thì việc khai thác quỹ đất ven sông và các cù lao nổi trên sông để hình thành các khu, điểm du lịch cuối tuần, du lịch sinh thái… với các tour du lịch sinh thái sông nước rất hấp dẫn du khách.    Lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch 2 tỉnh ký kết văn bản hợp tác  Nằm gần kề nhau, Bình Dương và Đồng Nai có nhiều tiềm năng để hợp tác phát triển du lịch. Đồng Nai tổ chức các tour đưa khách đến các điểm tham quan du lịch của Bình Dương như: Khu Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến, núi Châu Thới, chùa Bà, hồ Dầu Tiếng, Du lịch Mắt Xanh, Du lịch Dìn Ký, đặc biệt là cầu Thạnh Hội, bến Bạch Đằng. Ngược lại, Bình Dương có thể xây dựng các tour đến Đồng Nai như: Văn miếu Trấn Biên, danh thắng núi Bửu Long, chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Vườn quốc gia Cát Tiên, Du lịch thác Giang Điền… Bên cạnh đó, Đồng Nai và Bình Dương có thể phối hợp xây dựng và khai thác các tour du lịch chung giữa 2 địa phương như tour du lịch sông Đồng Nai (đoạn TP.Biên Hòa - huyện Tân Uyên), tour du lịch tâm linh tham quan 3 núi: Châu Thới - Bửu Long - Gia Lào…Theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, vùng dọc theo lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa phận huyện Tân Uyên là vùng ưu tiên phát triển du lịch thuộc không gian phía đông của tỉnh với các định hướng phát triển các sản phẩm du lịch chính, gồm: Du lịch sinh thái với các loại hình du lịch sinh thái sông nước, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nghỉ cuối tuần, du lịch thể thao cao cấp với các khu vực ưu tiên đầu tư như: Khu vực ven sông Đồng Nai, khu vực hồ Đá Bàn (xã Đất Cuốc), khu vực Cù lao Rùa (Thạnh Hội), Cù lao Bạch Đằng… Ngoài những lợi thế thuận lợi sẵn có về điều kiện tự nhiên gắn với các tiềm năng du lịch sinh thái vườn ven sông, dọc tuyến sông Đồng Nai còn có hệ thống các di tích lịch sử văn hóa phong phú mang nhiều giá trị nổi bật. Đặc biệt, hiện nay khu vực này còn có nhiều công trình giao thông lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Công trình cầu Thủ Biên nối liền 2 tỉnh, cầu Bạch Đằng, cầu Thạnh Hội… sẽ là những tiền đề tốt cho việc phát triển du lịch ven sông và đường bộ. Gắn kết để cùng phát triển Để thúc đẩy phát triển du lịch trên tuyến sông Đồng Nai tương xứng với tiềm năng, ngành du lịch Bình Dương và Đồng Nai cần tăng cường hơn nữa mối liên kết nhằm bổ trợ cho nhau trong việc hình thành các sản phẩm du lịch, liên kết các nhà đầu tư và các đơn vị kinh doanh lữ hành để nâng cao chất lượng, tăng tính hấp dẫn và mức độ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch.    Một góc KDL Bửu Long Chính vì lý do đó, cuối tháng 8 vừa qua, ngành du lịch Bình Dương và Đồng Nai đã có buổi tọa đàm với nội dung “Phát triển du lịch trên tuyến sông Đồng Nai” để tìm những biện pháp chung để cùng phối hợp thực hiện, nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch ven sông giữa 2 tỉnh. Cụ thể, phía Bình Dương, những điểm du lịch tiềm năng định hướng sẽ liên kết, bao gồm: Cù lao Bạch Đằng, Khu du lịch (KDL) sinh thái Mekong Golf & Villas, nhà cổ Đỗ Cao Thứa, Cù lao Rùa (Thạnh Hội)… Về phía Đồng Nai, những điểm du lịch dự kiến sẽ kết nối gồm: Tuyến du lịch sông từ Biên Hòa - Vĩnh Cửu - Cù lao Bạch Đằng, với các KDL như KDL Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, Làng bưởi Tân Triều… Buổi tọa đàm đã chỉ rõ những thuận lợi, tồn tại và vạch ra những phương hướng thiết thực nhằm phát triển du lịch trên tuyến sông Đồng Nai. Ông Nguyễn Trần Khanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Dương cho biết, công tác xã hội hóa cần phải được thực hiện triệt để bởi một trong những việc khó khăn nhất là tìm được nguồn vốn đầu tư, bên cạnh đó UBND 2 tỉnh cần có những chính sách khuyến khích đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch… nhằm để việc phát triển du lịch ven sông Đồng Nai được thuận lợi. Ngoài ra, 2 tỉnh cũng cần tính toán phân bố hợp lý các điểm dừng chân, tham quan cho khách du lịch, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, theo kiểu tự phát dẫn đến việc không kiểm soát được chất lượng dịch vụ; việc thu hút các nhà đầu tư và chia sẻ nguồn khách cả 2 địa phương cũng cần hỗ trợ nhau trong việc giới thiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu về dự án phát triển du lịch của 2 địa phương… Ông Ngô Thanh Long - Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai cho biết, để phát triển tuyến du lịch sông Đồng Nai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch 2 tỉnh cần phối hợp tăng cường tổ chức các hoạt động trên sông để thu hút khách tham quan. Hiện nay, lễ hội đua thuyền tổ chức định kỳ vào những ngày đầu năm tết âm lịch, hoạt động này ít gây sự chú ý của du khách. Nên chăng cần tổ chức thêm các giải đua thuyền trên sông, giải này mở rộng cho các đội đua thuyền trong và ngoài tỉnh, thông qua giải có thể tuyên truyền quảng bá tuyến du lịch sông. Ngoài ra, ngành du lịch nên kết hợp đưa các hoạt động văn hóa như đờn ca tài tử, ca nhạc dân tộc, biểu diễn nghệ thuật… vào phát triển du lịch nhằm làm phong phú, đa dạng cho các sản phẩm du lịch của tuyến này…   Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương Nguyễn Văn Lộc: Việc liên kết phát triển du lịch tuyến sông Đồng Nai là việc làm hết sức cần thiết nhằm khai thác tối đa lợi thế về tài nguyên du lịch, vị trí trong giao thương, hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác cho phát triển du lịch của cả 2 tỉnh. Ngoài những giá trị chung về tài nguyên, cả 2 địa phương còn có những lợi thế riêng biệt có thể bổ sung cho nhau. Trong thời gian tới, để công tác liên kết phát triển du lịch tuyến sông Đồng Nai đạt hiệu quả, cần có sự quyết tâm của Hiệp hội Du lịch cùng sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp du lịch 2 tỉnh. Có thể chọn 1 - 2 doanh nghiệp du lịch đầu tàu để triển khai chương trình hoặc đơn vị du lịch có tiềm năng để phát triển tour sông. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế cho doanh nghiệp tham gia thực hiện như giao thông đường thủy, giới thiệu địa điểm đến… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương và Đồng Nai vừa ký kết “Chương trình hợp tác phát triển du lịch” giai đoạn 2013-2018. Theo đó, nội dung hợp tác sẽ bao gồm các lĩnh vực: Công tác quản lý nhà nước; xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; quy hoạch, kêu gọi đầu tư. Trong đó có các nội dung cụ thể như: Hàng năm, tùy điều kiện hai sở tổ chức tham gia các hội thảo, hội chợ, triển lãm, các sự kiện và lễ hội của nhau nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác và quảng bá hình ảnh du lịch của mỗi địa phương; Trao đổi kinh nghiệm về phát triển sản phẩm, liên kết mở tour tuyến du lịch (đặc biệt phối hợp khai thác tuyến du lịch đường sông giữa Đồng Nai và Bình Dương); Hai sở phối hợp tổ chức các đoàn khảo sát (điểm, tour, tuyến du lịch) chung, kết nối các điểm du lịch của hai địa phương, tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch, tìm kiếm thị trường và các nhà đầu tư du lịch mới…  BÌNH MINH
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên