Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương: Hiện thực của phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 20-09-2013 | 00:00:00

 Biến rác thải nguy hại thành hữu ích

Đến đầu năm 2013, mỗi ngày số lượng rác thải sinh hoạt thu gom trên địa bàn tỉnh bình quân trên 700 tấn; rác thải công nghiệp các loại, trong đó có rác thải nguy hại trên 150 tấn. Việc tiếp nhận, thu gom và vận chuyển các loại rác thải đều được tổ chức thực hiện theo đúng quy định chuyên môn. Rác thải y tế phải bảo đảm thu gom, vận chuyển bằng quy trình khép kín và tự động hóa, rác thải công nghiệp nguy hại phải được vận chuyển bằng xe chuyên dụng…    Phân loại rác thải trước khi đưa vào xử lý

Đặc trưng của rác thải sinh hoạt ở Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đều chưa được phân loại tại nguồn, còn lẫn lộn rất nhiều tạp chất khó xử lý, hoặc không thể xử lý như bê tông, ve chai, sắt, đá. Các loại rác đặc biệt này khi đi vào nhà máy sẽ gây kẹt thiết bị, làm ngừng hoạt động cả dây chuyền. Trước những khó khăn đó, tập thể CB-CNV công ty với quyết tâm cao nhất, đã cùng với nhà thầu tìm ra giải pháp cụ thể bằng cách lắp đặt thêm thiết bị phụ trợ, điều chỉnh hoạt động của dây chuyền cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đến tháng 6-2013, công trình đã hoàn thiện và bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật đặt ra. Rác thải sinh hoạt sau khi được phân loại trên băng chuyền sẽ được chuyển về hầm ủ để sản xuất phân compost với công suất 420 tấn/ngày. Sản phẩm đạt các yêu cầu về dinh dưỡng theo quy định. Ngày 8-7-2013, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp giấy chứng nhận đăng ký khảo nghiệm cho 7 loại phân bón khác nhau được sản xuất từ quá trình xử lý rác thải sinh hoạt tại khu liên hợp này.

Một số rác thải đặc biệt khó xử lý như bê tông, sắt, đá và các thành phần khác có thể tái chế được trong rác thải công nghiệp sẽ được nhà máy tiếp tục phân loại, tổng hợp để sản xuất ra các loại bê tông tươi, bê tông đúc sẵn, vật liệu xây dựng như gạch 2 lỗ, 4 lỗ truyền thống, gạch tự chèn. Ngoài ra chất khí phát sinh trong quá trình xử lý cũng được thu hồi, vừa góp phần khắc phục mùi hôi vừa tận dụng để đốt lò, chế biến ra các loại hóa chất, phụ gia có giá trị kinh tế như axeton, góp phần làm giảm chi phí vận hành, giải quyết triệt để các tồn dư sau tái chế.

Nước rỉ rác cũng được hóa giải

So với nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp thì thành phần nước rỉ rác rất phức tạp, có nồng độ chất ô nhiễm cao, có mùi nồng nặc đặc trưng. Nếu không được lưu trữ và xử lý tốt sẽ gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm đất ở khu vực xung quanh, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư sinh sống gần bãi chôn lấp. Đây là vấn đề nan giải của các bãi rác không có trạm xử lý nước rò rỉ hiện nay vì nước rỉ rác phụ thuộc hoàn toàn vào tuổi thọ của bãi chôn lấp, loại rác, khí hậu… Thành phần, tính chất của nước rỉ rác diễn biến phức tạp và khả năng gây ô nhiễm cao. Để đáp ứng nhu cầu xử lý, cán bộ kỹ thuật Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đã tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá để lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp. Kết hợp nhiều khâu xử lý bao gồm xử lý sơ bộ, tháp stripping, xử lý sinh học, xử lý hóa lý kết hợp xử lý hóa học để đạt quy chuẩn xả ra môi trường loại A theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 25:2009/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời thỏa mãn được các vấn đề kỹ thuật phức tạp.

Tổng Giám đốc Công ty Biwase NGUYỄN VĂN THIỀN: Xử lý môi trường là cam kết pháp lý và cũng là đạo lý

Tuy “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng với đội ngũ trẻ, năng động, nhiệt tình, được sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp lãnh đạo, sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ từ Trung ương đến địa phương, cộng với sự sáng tạo, cầu thị của lãnh đạo công ty đã từng bước tiếp cận, làm chủ công nghệ xử lý, đưa nhà máy vào hoạt động ổn định, hợp lý, khoa học, phát huy hiệu quả đầu tư. Có thể nói xử lý môi trường nói chung và xử lý rác thải nói riêng vừa là cam kết pháp lý giúp Bình Dương phát triển bển vững, vừa phù hợp đạo lý trong sự phát triển hài hòa giữa thành thị với nông thôn.

Với kết quả trên, trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Dương mới đây, bà Tuijia Brax, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán - Nghị viện Phần Lan, cùng Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Phần Lan tại Việt Nam Kimmo Lahdevita đã đến kiểm tra dự án xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt thành phân compost thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương (xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát), trị giá 6,7 triệu Euro từ vốn vay ODA của Chính phủ Phần Lan, do Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư. Đoàn đã tận mắt chứng kiến các hoạt động và hiệu quả mang lại của dự án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt thành phân compost công suất 420 tấn/ngày và đánh giá cao năng lực quản lý của chủ đầu tư cũng như kết quả tốt đẹp của dự án, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Bình Dương theo hướng xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm đã giới thiệu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó có vấn đề gia tăng dân số nhanh (trên 10%/năm). GDP của tỉnh tăng bình quân trên 15%/năm, nhưng địa phương chỉ được giữ lại 25% số thu ngân sách để đầu tư vào mọi hoạt động kinh tế- xã hội, đã dẫn đến khó khăn, thiếu hụt nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường. Nhờ nguồn vốn vay ODA mà Bình Dương đã có những công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội rất tốt. Chính phủ Phần Lan đã giành nhiều nguồn viện trợ cho các nước đang phát triển, thông qua đoàn công tác, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Chính phủ Phần Lan tiếp tục giành thêm nguồn vốn vay ODA để Bình Dương có điều kiện hoàn thiện dự án, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2339
Quay lên trên