Kinh doanh du lịch ở Bình Dương: “Rạng đông” đang đến gần...

Cập nhật: 05-01-2013 | 00:00:00

   Tham quan nhà cổ, một tour du lịch đặc sắc của Bình Dương

 Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đằng sau những sự đầu tư được gọi “mạo hiểm”, “thiển cận” đó là cả một kế hoạch phát triển lâu dài. Họ là những gương mặt điển hình trong phong trào đi tắt đón đầu trên mảnh đất công nghiệp Bình Dương.

Ảm đạm tạm thời

Cầm trên tay danh sách các doanh nghiệp du lịch lữ hành do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp, phóng viên Báo Bình Dương đến gõ cửa “từng nhà” để tìm hiểu về ngành tour trên đất Thủ. Tuy nhiên, quá bán những doanh nghiệp trong danh sách này đều đang “cửa đóng then cài”, số còn lại chỉ hoạt động cầm chừng. Tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát... chúng tôi nhìn thấy một điều rõ ràng là doanh thu năm 2012 không tăng so với những năm trước đó, thậm chí, một số doanh nghiệp còn thua lỗ nhẹ.

Ước tính tổng lượt khách du lịch năm 2012 của tỉnh Bình Dương vào khoảng 3.786.320 lượt (trong đó có 115.000 lượt khách quốc tế, 3.671.320 lượt khách nội địa), đạt 94,6% kế hoạch năm. Riêng Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến đón khoảng 1,88 triệu lượt; doanh thu du lịch ước thực hiện 932,039 tỷ đồng, đạt 157,9% kế hoạch năm.

Từ những ngày đầu năm 2013, nhiều lượt khách đã ý những chuyến tour lữ hành dài ngày. Nhiều công ty khẳng định, sự khởi đầu của năm nay hơn hẳn so với năm 2012.

Là một trong những lá cờ đầu của ngành du lịch ở đất Thủ, Công ty Cổ phần Thương mại & Du lịch Bình Dương liên tục có những hoạt động thu hút khách hàng, tuy nhiên những sáng tạo nói trên cũng không tạo ra hiệu quả rõ rệt. Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & Du lịch Bình Dương cho biết: “Dù công ty đã có nhiều thay đổi, sáng tạo về nội dung, hình thức, địa điểm và thời gian lữ hành, nhưng lượng khách hàng vẫn không tăng lên. Có nhiều thời điểm, doanh thu còn thấp hơn cùng kỳ các năm trước”.

Tại trụ sở các Công ty Sen Vàng, Mỹ Việt... không khí còn ảm đạm hơn. Ông Đinh Gia Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sen Vàng cho hay: “Thời gian gần đây, lượng khách đăng ký tham gia du lịch lữ hành giảm mạnh, đặc biệt là các tuyến du lịch quốc tế. Doanh thu năm 2012 của công ty cũng vì thế mà giảm nhẹ so với năm 2011”.

Ảm đạm hơn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc vì “có lúc chờ cả tháng cũng không thấy khách nào ghé”. Ông Võ Văn Nở, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương cho biết: “Một số doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ ngành nghề, nhưng sau một thời gian hoạt động thua lỗ đã đóng cửa hoặc “tạm nghỉ” chờ thời. Theo thống kê của sở, tính đến tháng 12-2012 đã có hàng chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tạm ngưng hoạt động hoặc “không rõ tung tích”.

Trong ngày 3-1- 2013, phóng viên Báo Bình Dương đã có chuyến thực tế đến trụ sở các Công ty Nhịp Sống Trẻ, Phù Sa, chi nhánh Công ty Văn Lang tại Bình Dương (Thủ Dầu Một), Cộng Đồng Phát (Bến Cát), Hoàng Đỉnh, Minh Hương (Dĩ An)... nhưng tất cả những doanh nghiệp này đều trong tình trạng cửa khóa trái.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Bình Dương đang khá khó khăn, tuy nhiên, khi được phỏng vấn, hầu hết những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều kỳ vọng vào thời gian tới. Ông Đinh Gia Bình, Giám đốc Công ty Sen Vàng tin chắc: “Với những diễn biến của nền kinh tế của tỉnh nhà, năm 2013 hứa hẹn sẽ là năm bội thu của ngành du lịch Bình Dương”.

“Rạng đông” đang đến gần...

Nếu thật sự để ý những hoạt động trong năm 2012 của các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thì sự tin tưởng của các doanh nghiệp du lịch là hoàn toàn có lý. Báo cáo tổng kết năm 2012 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, ngành du lịch đang được chính quyền tỉnh chú trọng phát triển hơn bao giờ hết. Đáng chú ý nhất là việc triển khai xây dựng 2 Đềán: “Phát triển các sản phẩm du lịch đặc thùtỉnh Bình Dương đến năm 2015” và“Hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2015”. Theo đó, lãnh đạo sở cho rằng, việc kết hợp mang khách trong tỉnh đi ra ngoài và thu hút khách du lịch vào tham quan các địa điểm du lịch trong tỉnh đều quan trọng như nhau.

Kết hợp với những chủ trương của tỉnh, các ngành, các địa phương cũng gấp rút “dọn đường” cho ngành du lịch tỉnh nhà phát triển. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành khảo sát để có ý kiến về địa điểm đầu tư xây dựng dự án điểm du lịch sinh thái ở các huyện, thị trong năm 2013. Ngoài các hoạt động mang tính chất đặc thù của địa phương, các sở ngành còn phối hợp triển khai tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Du lịch thế giới (27-9), Noel, Tết Dương lịch... nhằm thu hút khách du lịch đến với đất Thủ.

Theo khảo sát của phóng viên, trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm 20 khách sạn, nhà nghỉ (tổng cộng có 458 khách sạn) đạt chuẩn du lịch. Những bước đệm này được giới phân tích kinh tế đánh giá là sẽ “hối thúc” ngành du lịch Bình Dương phát triển nhanh hơn so với dự kiến ban đầu.

Ông Phạm Minh Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại & Du lịch Bình Dương cho rằng, những chính sách mới về du lịch của tỉnh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển cho ngành dịch vụ này. Nói chuyện với phóng viên Báo Bình Dương, ông Tân khẳng định: “Năm 2013 công ty chúng tôi tin rằng sẽ có những bước nhảy rõ rệt”.

Nhiều “ông lớn” trong ngành du lịch ở TP.HCM dường như cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển ở Bình Dương nên đua nhau về đây mở chi nhánh. Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục văn phòng, chi nhánh của các công ty du lịch ở TP.HCM.

 ĐÌNH THẮNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên