Kỷ nịêm 54 năm ngày “Phú Lợi căm thù” (1.12.1958 - 1.12.2012): Bản hùng ca bất tử

Cập nhật: 01-12-2012 | 00:00:00

Tồn tại trong 8 năm (từ 1957 đến 1964), Nhà tù Phú Lợi đã chứng kiến vô số tội ác của Mỹ - ngụy mà đỉnh điểm là vụ đầu độc tù nhân vào ngày 1-12-1958. Cũng tại nơi đây, ngọn lửa đấu tranh của những người dân yêu nước và các chiến sĩ cách mạng bị tù đày đã được nhen nhóm rồi bùng lên dữ dội. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng tinh thần đoàn kết, kiên cường bất khuất của những tù nhân ngày ấy vẫn như một bản hùng ca truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…

 Tượng đài chiến thắng Nhà tù Phú Lợi là nơi thường xuyên tổ chức giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên Những ngày tháng không quên

Ông Đào Văn Tiên hiện là Phó ban Thường trực Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bình Dương, người hai lần bị bắt giam tại Nhà tù Phú Lợi vẫn còn nhớ rất rõ những gì đã diễn ra tại đây. Đó là những ngày thật sự khắc nghiệt đối với tù nhân. Theo ông Tiên, tại Nhà tù Phú Lợi lúc bấy giờ, kẻ thù một mặt diệt về tinh thần tức là dùng các tài liệu gọi là chính sách như: Nhân vị cộng hòa, Cần lao nhân vị, Nông tính cuộc… nhồi nhét vào tâm não người tù, làm biến chất tù nhân để quay lại chống cách mạng. Nếu diệt tinh thần không được chúng thực hiện diệt thể chất với nhiều chiêu thức tra tấn dã man làm cho tù nhân cạn kiệt sức lực.

Với những thủ đoạn thâm độc vừa khủng bố vừa mị dân, Mỹ - ngụy hy vọng sẽ chinh phục được trái tim và khối óc của những người yêu nước, những người cộng sản. Song thực tế hoàn toàn ngược lại suy nghĩ của chúng. Tất cả những cảnh tra tấn dã man, đày ải cực hình, hù dọa khủng bố… cũng không thể làm lung lay ý chí chiến đấu của anh chị em trong tù. Những người tù dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng đã giữ lập trường kiên định. Trong những năm tháng bị giam cầm trong lao tù, đảng viên ở các trại đã nhanh chóng liên lạc với nhau. Các nhóm đảng viên, các chi bộ lần lượt được bí mật thành lập. Các Ban đại diện, Tổ tâm giao, Đôi bạn đồng hương ở từng trại giam là nòng cốt đấu tranh, từng bước đấu tranh với kẻ thù đòi cải thiện đời sống, chống áp bức, chống tra tấn tù nhân.

 

Sinh viên, học sinh tham quan tìm hiểu lịch sử ở Nhà tù Phú Lợi

Đầu tháng 12-1958, với ý đồ bí mật thủ tiêu các tù nhân khi những tù nhân sắp bị chuyển ra Côn Đảo, Mỹ - ngụy đã thực hiện âm mưu bằng cách đầu độc các tù nhân. Hàng trăm tù nhân bị ngộ độc, hôn mê, bất tỉnh. Những ngày sau đó số người bị ngộ độc không ngừng tăng lên. Trước hành động hèn hạ của kẻ thù, Đảng ủy trại giam đã quyết định đấu tranh công khai trực tiếp. Nhiều hình thức đấu tranh đã được các tù nhân Phú Lợi thực hiện như tung nóc nhà giam, phát loa phóng thanh kêu cứu… Nhờ vậy, tin địch đầu độc tù nhân đã lan truyền khắp nơi gây nên làn sóng căm phẫn trong nước và quốc tế. Các tổ chức như Hội Luật gia thế giới, Hội Liên hiệp công đoàn thế giới, Hội Liên hiệp học sinh thế giới… đã cực lực lên án hành động sát hại tù nhân của Mỹ - ngụy. Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và thế giới, cuối cùng nhà tù Phú Lợi phải đóng cửa vào năm 1964, chấm dứt 8 năm tồn tại với những tội ác dã man không thể xóa nhòa.

Nơi giáo dục truyền thống

Nhà tù Phú Lợi là bằng chứng về tội ác của Mỹ - ngụy. Nơi đây đã trở thành biểu tượng cho lòng dũng cảm của cán bộ đảng viên, đồng bào yêu nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc cho quê hương đất nước. Nhà tù Phú Lợi đã được công nhận và xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Với giá trị lịch sử to lớn và ý nghĩa chính trị quan trọng của Khu di tích Nhà tù Phú Lợi, năm 1995, di tích đã được tỉnh Sông Bé chủ trương đầu tư công trình biên soạn lược sử và trùng tu, tôn tạo khu di tích. Một bức tượng bằng đồng cao 3,5m của cố tác giả điêu khắc Diệp Minh Châu, thể hiện sự đau thương trong ngày xảy ra vụ đầu độc, tái diễn lại lịch sử, nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất của tù nhân Phú Lợi năm xưa.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Trưởng ban Quản lý di tích và Danh thắng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đến tháng 10-2012 toàn bộ hạng mục công trình xây dựng tường rào bao quanh khu di tích, hệ thống cổng bảo vệ và trùng tu một đoạn hàng rào gốc tại Khu di tích Nhà tù Phú Lợi nằm trong đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” đã hoàn thành. Dự kiến trong năm 2013 sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh về Nhà tù Phú Lợi năm xưa nhằm bảo lưu và giới thiệu những giá trị tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh của bao thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về truyền thống cách mạng của địa phương.

Hàng năm, Khu di tích Nhà tù Phú Lợi đã đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Dương nói riêng cũng như của dân tộc Việt Nam nói chung. Khu di tích Nhà tù Phú Lợi thực sự là nơi giáo dục truyền thống cách mạng với những giá trị lịch sử to lớn thể hiện tinh thần đấu tranh gian khổ nhưng cũng đầy vinh quang của các thế hệ cha anh đi trước. Nhiều hoạt động của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh như giao lưu, kết nạp đoàn viên mới, cắm trại… được chọn tổ chức ở khu di tích đã nói lên ý thức hướng về cội nguồn, về những cống hiến của lớp lớp cha anh của thế hệ trẻ hôm nay.

Ban Quản lý Di tích và Danh thắng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong năm 2012, Khu di tích Nhà tù Phú Lợi đã đón gần 50.000 lượt khách tham quan về nguồn và hội trại tại đây. Đa số trong đó là các học sinh - sinh viên đến từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, TP.HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang…

TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1382
Quay lên trên