Lao động thất nghiệp“ngại” học nghề

Cập nhật: 08-10-2016 | 10:55:42

Trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) mất việc có cơ hội chuyển đổi nghề bằng cách học nghề với mức hỗ trợ học nghề tối đa 1 triệu đồng/người/ tháng. Quy định này được xem là “phao” cứu sinh cho NLĐ khi rơi vào tình trạng thất nghiệp, song phần lớn NLĐ thờ ơ với chính sách này.


NLĐ đến đăng ký hưởng BHTN được cán bộ Trung tâm DVVL tư vấn học nghề

Cơ hội mới…

Chị Đỗ Thị Huế (SN 1971) xin vào làm công nhân Công ty TNHH Thuận Phong (TX. Thuận An) được một thời gian thì xin nghỉ vì công ty quá xa chỗ ở và phải chăm sóc con nhỏ. Chị đến đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh. Tại đây, chị được cán bộ hướng dẫn về mọi thủ tục, quyền lợi, trách nhiệm liên quan khi làm đơn xin hưởng BHTN. Trong các chính sách hưởng BHTN, chị chú ý việc hỗ trợ học nghề nhằm chuyển đổi nghề nghiệp. Bởi đã có ý định chuyển đổi sang học nghề nấu ăn đãi tiệc nên chị đã đăng ký học, với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/tháng học, thời gian không quá 6 tháng. Chi phí hỗ trợ như trên hoàn toàn phù hợp, giúp chị có thể học nghề mà không tốn kém học phí. Chị tâm sự, khi học xong chị có thể xin vào nấu ăn các công ty, nhà hàng gần nhà, hoặc mở quán ăn để có thời gian vừa làm vừa chăm sóc con nhỏ. Do đó, chị cố gắng học chăm chỉ để nấu được nhiều món ăn ngon chăm sóc gia đình, tạo việc làm mới.

Còn anh Trần Minh Kha (SN 1987), khi đến đăng ký hưởng BHTN cũng rất chú ý đến việc hỗ trợ học nghề. Anh Kha hỏi kỹ càng cán bộ tư vấn, sau đó đăng ký học nghề lái xe nâng hàng. Anh cho biết, trước khi nghỉ việc anh làm cho Công ty TNHH Hằng Thắng (TX.Thuận An), mức lương lao động phổ thông không đủ trang trải cuộc sống nên anh muốn học nghề khác để có việc làm ổn định, lương cao. Khi đến đăng ký hưởng BHTN, thấy có khoản hỗ trợ học nghề, được tư vấn các nghề có thể học, anh quyết định chọn học nghề lái xe nâng hàng. Anh cho rằng: “Hiện nay thị trường đang cần nghề này vì rất nhiều công ty đăng tuyển dụng với mức lương cao, do đó sau khi học nghề tôi không sợ không xin được việc làm. Có công việc tốt hơn, tôi nghĩ cuộc sống gia đình mình sẽ cải thiện hơn nhiều”.

… Người lao động thờ ơ

Có nghề trong tay và sẽ có cơ hội tìm được việc làm với mức thu nhập khá hơn, tuy nhiên rất ít trường hợp NLĐ nghỉ đến đăng ký hưởng BHTN chọn giải pháp học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp như 2 trường hợp trên. Theo thống kê, trong số 42.000 trường hợp làm hồ sơ đề nghị hưởng BHTN tại Trung tâm DVVL tỉnh 9 tháng đầu năm 2016, có 1.573 trường hợp đề nghị hỗ trợ học nghề, đạt tỷ lệ 3,6%. Ông Nguyễn Trọng Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết, nguyên nhân khiến NLĐ thất nghiệp đăng ký hỗ trợ học nghề ít là vì chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ văn hóa còn hạn chế, độ tuổi cao. Những đối tượng này có tâm lý ngại chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, một số lao động chỉ quan tâm đến quyền lợi trước mắt là nhận được bao nhiêu tiền mà không quan tâm đến các quyền lợi liên quan.

Theo một số NLĐ chúng tôi gặp và trao đổi, trong số 10 người đến đăng ký hưởng BHTN tại Trung tâm DVVL tỉnh thì có khoảng 6 người trả lời không học nghề. Lý do được NLĐ đưa ra là vì cuộc sống mưu sinh, vì vướng bận gia đình, con cái nên việc đi học sẽ rất khó khăn, trong khi họ đang cần việc làm để có nguồn thu nhập nuôi sống gia đình. Lý do quan trọng khác dẫn đến tình trạng người thất nghiệp ít học nghề là họ còn hoài nghi về hiệu quả việc làm sau khi học nghề ngắn hạn. Một NLĐ ở TX.Dĩ An bày tỏ: “Chỉ sau một lớp đào tạo nghề trong thời gian vài tháng thì thật khó mà hy vọng sẽ tìm được việc với nghề mới, nhưng nếu muốn nâng cao kỹ năng làm việc ở nghề cũ, tôi phải tự bỏ thêm khá nhiều chi phí. Đây là điều hết sức khó khăn đối với lao động thất nghiệp”.

Để thay đổi suy nghĩ của NLĐ, nâng số người đăng ký hưởng BHTN học nghề chuyển đổi công việc lên 5%, Trung tâm GVVL tỉnh đã cử cán bộ tư vấn cho NLĐ. Bên cạnh đó, trung tâm còn nghiên cứu thị trường lao động, nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp, mở lớp đào tạo. Hiện nay, trung tâm đào tạo 22 ngành nghề, như lái xe nâng hàng, bảo trì máy công nghiệp, vi tính, nấu ăn đãi tiệc, tiếng Hoa, tiếng Hàn, kỹ thuật pha chế… NLĐ đăng ký học nghề sẽ học tại trung tâm, được bố trí thời gian học theo đề nghị của đa số các học viên.

Với nỗ lực của Trung tâm DVVL, hy vọng NLĐ sau khi nghỉ làm mong muốn tìm được nghề khác tốt hơn, ổn định hơn sẽ đăng ký học nghề. Đây cũng là nhiệm vụ Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ tỉnh lần thứ X nêu rõ trong việc tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ đáp ứng được cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Ngày 24-12-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 55 quy định mức hỗ trợ học nghề đối với NLĐ tham gia BHTN lên 6 triệu đồng/khóa. Theo đó, người tham gia các khóa đào tạo nghề không quá 6 tháng được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, tùy theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế. NLĐ tham gia BHTN chỉ phải đóng phần vượt quá nếu phí học nghề cao hơn mức hỗ trợ.

 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên