Liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản: Cần một “chiếc cầu” bền vững!

Cập nhật: 30-07-2013 | 00:00:00

Cung chưa gặp cầu

Nông nghiệp Bình Dương trong thời gian qua tiếp tục được chú ý phát triển để nâng cao trình độ sản xuất, tập trung vào 2 lĩnh vực là nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp đô thị. Nông dân Bình Dương đã chú ý hơn đến việc áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, cải tạo cây, con giống để đạt năng suất cao. Bình Dương đã hình thành nên 4 khu nông nghiệp kỹ thuật cao với diện tích 991,4 ha và trên 170 ha cho lĩnh vực nông nghiệp đô thị.    Thu mua mủ cao su tiểu điền tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo

Tuy nhiên, nghịch lý lại xuất hiện khi nông dân đầu tư nâng cao trình độ, sản xuất ra số lượng lớn sản phẩm, chất lượng bảo đảm thì khả năng tiêu thụ lại bị hạn chế. Một trong những điển hình cho tình trạng trên có thể nói đến là sản xuất rau an toàn, rau sạch. Các vùng sản xuất rau an toàn tại xã Tân Định (Bến Cát), thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên), phường An Thạnh, Bình Chuẩn (TX.Thuận An)... sau khi được tập huấn, trình độ sản xuất, tính liên kết trong sản xuất của nông dân đã được nâng lên thấy rõ.

Tuy nhiên sản phẩm làm ra lại khó vào các siêu thị, đành phải bán trôi nổi trên thị trường. Ông Nguyễn Hữu Hiền - Tổ trưởng Tổ sản xuất rau an toàn thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) cho biết, điều quan tâm với những người nông dân là giá cả sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, giá rau bán ra thị trường vẫn còn nhiều bấp bênh do chưa có đầu mối nào đủ lớn để có thể thu mua. Sản phẩm đưa vào các siêu thị còn rất hạn chế bởi đòi hỏi phải tuân theo các quy định, quy trình nghiêm ngặt. Với những người nông dân chỉ quen với đồng áng, việc tuân theo các quy định trên rõ ràng là rất khó. Chính vì chưa có các đầu ra thực sự ổn định, chưa thể kết nối lâu dài với các siêu thị, trung tâm thương mại lớn mà trong một thời gian dài phần lớn các sản phẩm rau an toàn, rau sạch tại Bình Dương phải thông qua các thương lái và không thể tránh khỏi tình trạng bị ép giá.

Sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp Bình Dương là mủ cao su, người trồng cao su tiểu điền vẫn phải bán mủ thông qua các điểm thu mua nhỏ lẻ của thương lái. Các công ty, nông trường, nhà máy chưa xây dựng được mạng lưới thu mua mủ đến từng thôn ấp, các điểm thu mua lớn, tập trung vẫn chưa hình thành. Trong lĩnh vực chăn nuôi cũng vậy, đầu ra luôn là mối lo chung của nhiều nông dân. Chi phí đầu tư ban đầu lớn, liên kết với đầu ra chưa có, tiêu thụ chưa ổn định đã làm cho các hộ chăn nuôi trong thời gian gần đây thua lỗ triền miên.

Đâu là giải pháp?

Điểm sáng trong tiêu thụ nông sản của Bình Dương có thể kể đến các mô hình sản xuất cây ăn trái, trong đó đặc biệt là cây có múi và sản phẩm của các khu nông nghiệp kỹ thuật cao. Với những người trồng cây có múi, do có tiềm lực lớn nên nhiều người đã xây dựng được thương hiệu, hình thành các đại lý bán sản phẩm tại các địa phương nên đầu ra sản phẩm tương đối ổn định. Các công ty đầu tư các khu nông nghiệp kỹ thuật cao đều có phương án kinh doanh rõ ràng nên sản phẩm của họ có cơ hội đi xa. Ông Nguyễn Tấn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết: “Trên địa bàn huyện có hai khu nông nghiệp kỹ thuật cao tại An Thái và Phước Sang, Tân Hiệp. Tại An Thái, qua giám sát chúng tôi thấy một số sản phẩm bước đầu đã được triển khai thành công là dưa lưới, cà tím... có doanh thu từ 400 - 600 triệu đồng/ha/vụ, thu lãi từ 250 - 330 triệu/ha. Sản phẩm đã tạo được lòng tin với các nhà tiêu thụ lớn là Metro, Big C, Sài Gòn Coop, đó chính là uy tín của nông sản Bình Dương”.

Có thể thấy, nếu thực hiện tốt khâu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sẽ nâng cao giá trị của nông sản. Anh Cao Tùng Lâm - chủ cửa hàng kinh doanh rau sạch Bình Dương (đường Thích Quảng Đức, Thủ Dầu Một) cho biết, để các sản phẩm nông nghiệp đến với các siêu thị, các trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh rau sạch dễ dàng hơn thì chính các đơn vị này phải có đội ngũ kỹ thuật viên trực tiếp xuống các vùng sản xuất hướng dẫn, tư vấn cho người nông dân để tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu của đơn vị mình, từ đó tìm ra tiếng nói chung giữa nơi sản xuất và nơi tiêu thụ. Ông Vũ Hải Lý - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (Phú Giáo) cho biết: “Để giảm bớt thiệt thòi cho người trồng cao su thì các cấp, ngành nên thành lập tại các địa phương một số hợp tác xã thu mua mủ để bảo đảm sự thống nhất về giá cả. Các hợp tác xã có thể là đầu mối cung ứng các loại vật tư nông nghiệp để bảo đảm sự hài hòa giữa đầu vào và đầu ra cho người trồng cao su”.

Đầu ra luôn là mối lo chung của nhiều nông dân và sẽ ổn định hơn nếu tạo ra được sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Người nông dân rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành để giảm bớt thiệt thòi cho họ.

 ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên