Mối tơ duyên giữa nhạc sĩ và chiến sĩ

Cập nhật: 27-05-2012 | 00:00:00

Ngày ấy, Sài Gòn mới giải phóng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đến với thành phố thân yêu này. Ông hết sức xúc động khi lần đầu tiên được gặp gỡ những con người phóng khoáng, cởi mở, nhưng cũng rất đỗi anh hùng ở đây. Đặc biệt là những chiến sĩ trẻ, quê Nam, quê Bắc đang hối hả trên đường đi làm nhiệm vụ, trong đó có nhà thơ Bùi Văn Dung.

 Nhạc sĩ Phạm Tuyên (ảnh trái) và nhà thơ Bùi Văn Dung. Từ nỗi xúc cảm ấy, nhạc sĩ đã bắt liền một bài thơ còn tươi nguyên nét mực in trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày ấy:

    Anh ở trong này không có mùa đông

    Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ

    Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ

    Thật lạ kỳ là mùa đông phương Nam

    …

Người chiến sĩ trẻ ấy đang đi giữa Sài Gòn và thương nhớ quê hương đã cách xa sau bao năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Bài thơ như sự đồng tình, đồng điệu với tâm hồn người nghệ sĩ. Ông thấy xúc cảm trào dâng, và liền trong đêm ấy, nhạc sĩ đã thao thức phổ nhạc, trở thành bài hát Gởi nắng cho em nổi tiếng sau này. Và tên nhạc sĩ lần đầu gắn với tên một nhà thơ trẻ: Bùi Văn Dung.

Bài hát được thu thanh, được phát rộng rãi nhiều lần theo yêu cầu của bạn yêu âm nhạc đài phát thanh.

Nhạc sĩ nhận được nhiều thư khen của công chúng. Nhưng có một lá thư đặc biệt làm ông xúc động: lá thư của Bùi Văn Dung được gửi về từ chiến hào biên giới Tây Nam. Nhạc sĩ không ngờ rằng, nhà thơ ấy lại là một chiến sĩ đang cầm súng đánh giặc. Và trong lá thư gửi về cho ông, anh bày tỏ một nguyện vọng nhỏ: Nhờ nhạc sĩ can thiệp để vào một ngày bài hát được phát lại trên sóng đài phát thanh cho anh và đồng đội nơi xa cùng thưởng thức.

Một thời gian sau, tại nhà riêng của nhạc sĩ giữa lòng Hà Nội, có một chiến sĩ trẻ rụt rè gõ cửa. Nhạc sĩ hết sức vui mừng vì đó chính là Bùi Văn Dung - sau nhiều năm tháng chiến đấu nay được về thăm gia đình. Đêm ấy, hai người đã tâm sự với nhau rất nhiều, và sớm hôm sau trước khi chia tay, người chiến sĩ ký thác cho nhạc sĩ: “Sắp tới đây đơn vị em lại đi chiến đấu xa hơn anh Tuyên ạ. Em lại có một việc nhỏ phiền anh: Những năm tháng qua cầm súng, em có viết được ít bài thơ, em muốn anh đọc giùm và lưu giữ giúp em”.

Năm 1978, nhạc sĩ lại vào Nam. Lòng ông hướng về những đoàn Thanh niên xung phong của TPHCM, đang rộn rã khơi kênh, đào mương trên những mảnh đất khô cằn. Hơn lúc nào hết, những vần thơ của Dung gửi cho ông lại trỗi dậy, trong đó có một bài thơ mà từ chiến hào người chiến sĩ trẻ đã mở lòng đến với những dòng kênh này:

    Con kênh ta đào chưa có nước chảy qua

    Chỉ có nắng mùa hè cháy bỏng

    Mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng

    Con kênh ta đào chưa là con kênh xanh

Trong một đêm lửa trại với các chiến sĩ Thanh niên xung phong, nhạc sĩ đã mang bài thơ này ra đọc và được các bạn trẻ ở đây rất yêu thích.

Năm 1979, sau biên giới Tây Nam, tiếng súng lại vang lên trên biên giới phía Bắc. Là một nhạc sĩ luôn nhanh nhạy với các đề tài nóng bỏng, nhạc sĩ liền có ngay một hành khúc ra trận “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới”. Và rồi cùng với hành khúc đó, ông đã lên đường với các đoàn quân.

Thế rồi có một đêm biên giới, trong lờ mờ ánh trăng non đầu tháng, đang hành quân nhạc sĩ bỗng nghe tiếng gọi: “Anh Tuyên”. Một chiến sĩ chạy tới ôm chầm lấy ông: “Em đây, Dung đây. Đơn vị em vừa cấp tốc hành quân từ Nam ra”. Nhạc sĩ ôm chặt hơn người chiến sĩ, xúc động vì những năm tháng xa cách: “Thế Dung đã nghe Con kênh ta đào chưa?”- “Có anh ạ. Cám ơn anh rất nhiều”- “Thế với sự kiện này, Dung có thơ mới không?”. Dung bỗng trở nên bẽn lẽn: “Em có viết được một bài. Anh đọc xem nhé”. Người chiến sĩ trao vội bài thơ, siết chặt tay nhạc sĩ một lần nữa, rồi hối hả chạy theo đơn vị về phía trước.

Đấy là một bài thơ tình của người lính, thổ lộ một tình yêu thầm kín, thiết tha:

    Anh yêu em suốt đời

    Bằng tình yêu không nói

    Nhưng cũng lại đầy băn khoăn, day dứt

    Chiến tranh dài lắm đấy

    Chờ anh nhiều như vậy

    Mùa xuân nào chịu yên?

Bởi lẽ:

    Anh sẽ còn phải đi

    Những phương trời bão nổi

    Lại một kẻ thù mới

    Hằm hè chốn biên cương

Nhưng tuy vậy, trái tim người lính bao giờ cũng lạc quan, hy vọng:

    Hai phương trời đầy nắng

    Chờ anh về nghe em

Bài thơ lại theo nhạc sĩ đi suốt chặng đường. Lòng ông biết bao xúc động. Và cũng đầy suy tư nữa, bởi lẽ, dù đã có nhiều hành khúc, ông vẫn thấy với người lính nói riêng, với đất nước nói chung, không chỉ là hùng ca mà còn cần cả tình ca nữa. Thế rồi trong tiếng súng biên giới, “Tình ca của người chiến sĩ” ra đời. Nhân một lần ngồi tâm sự với những tướng lĩnh chỉ huy mặt trận, nhạc sĩ đã hát lên. Những mái đầu bạc nghe xong đồng gật gù: “Rất tốt ông Tuyên ạ. Người chiến sĩ của chúng ta cũng cần những tình ca như vậy”.

NS Phạm Tuyên, người vừa được giải thưởng Hồ Chí Minh còn để lại cho đời biết bao ca khúc, cụm tác phẩm giá trị: Những ngôi sao ca đêm, Từ làng Sen, Đêm trên Cha Lo, Tiến lên đoàn viên, Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng (lời thơ Louis Aragon, lời dịch Tố Hữu) và những công trình âm nhạc khác.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=405
Quay lên trên