Một số vấn đề về biển, đảo Việt Nam

Cập nhật: 02-07-2013 | 00:00:00

Nhằm phục vụ công tác tuyên truyền về biển đảo, Báo Bình Dương trích đăng loạt bài về một số vấn đề biển, đảo nước ta.

I. Khái quát về biển, đảo Việt Nam

Việt Nam là quốc gia ven biển nằm bên bờ tây của biển Đông, có địa chính trị và địa kinh tế rất quan trọng không phải bất kỳ quốc gia nào cũng có. Với bờ biển dài trên 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam, đứng thứ 27 trong số 157 quốc gia ven biển, các quốc đảo và các lãnh thổ trên thế giới. Chỉ số chiều dài bờ biển trên diện tích đất liền của nước ta là xấp xỉ 0,01 (nghĩa là cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển) đứng đầu các nước Đông Dương, trên Thái Lan và xấp xỉ Malaysia. Trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước thì 28 tỉnh, thành phố có biển và gần một nửa dân số sinh sống tại các tỉnh, thành ven biển.  

Các chiến sĩ trên đảo Trường Sa tuần tra bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc

Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 thì nước ta có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích biển Đông (biển Đông gần 3,5 triệu km2). Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển, có vị trí đặc biệt quan trọng như một tuyến phòng thủ tiền tiêu để bảo vệ sườn phía đông đất nước; một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Vùng biển Việt Nam

1. Đường cơ sở: Luật quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Hiện nay nước ta đã có đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến đảo Thổ Chu. Một số khu vực hiện nay chưa có đường cơ sở như Vịnh Bắc Bộ và các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì Chính phủ sẽ xác định và công bố sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

2. Nội thủy: Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận lãnh thổ của Việt Nam. Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.

3. Lãnh hải: Lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý từ đường cơ sở ra phía biển. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam. Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Tàu thuyền của tất các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.

4. Vùng tiếp giáp lãnh hải: Vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải. Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 của luật. Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

5. Vùng đặc quyền kinh tế: Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Nhà nước thực hiện: quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế. Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng đường biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

1. Một số căn cứ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII. Theo hiểu biết địa lý lúc bấy giờ, hai quần đảo được thể hiện liền một dải, bao gồm cả Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa, ban đầu được người Việt gọi chung một tên nôm na là Bãi Cát Vàng. Vào nửa đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn tổ chức “Đội Hoàng Sa” lấy người từ xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi ra quần đảo Hoàng Sa thâu lượm hàng hóa, khí cụ trên các tàu mắc cạn và đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp. Chúa Nguyễn lại tổ chức thêm “Đội Bắc Hải” lấy người thôn Tứ Chính hoặc xã Cảnh Dương, phủ Bình Thuận, cấp giấy phép ra quần đảo Trường Sa với cùng nhiệm vụ như đội Hoàng Sa. Các hoạt động này được ghi nhận trong nhiều tài liệu lịch sử như “Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo soạn vào thế kỷ XVII, “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776), “Lịch triều Hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú (1821), “Đại Nam thực lục tiền biên” (1844-1848), “Đại Nam thực lục chính biên” (1844-1848), “Đại Nam nhất thống chí” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (1910), Dư địa chí “Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ”, “Quốc triều chính biên toát yếu”. Đồng thời, hai quần đảo và các hoạt động của triều đình phong kiến Việt Nam nói trên cũng được nhắc đến trong các tác phẩm nước ngoài như: Hải ngoại ký sự (1696), An Nam đại quốc họa đồ (1838), Nhật ký Batavia (1936)… Cùng với nhiệm vụ khai thác hải sản và hàng hóa trên quần đảo, nhà Nguyễn còn tổ chức đo đạc, khảo sát, dựng bia, cắm mốc, trồng cây trên quần đảo… liên tục trong các năm 1834, 1835, 1836. Thông qua việc tổ chức khai thác tài nguyên trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục hàng thế kỷ, trên thực tế cũng như về pháp lý, nhà Nguyễn đã làm chủ hai quần đảo từ khi hai quần đảo này còn chưa thuộc về lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và biến hai quần đảo từ vô chủ thành bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam.  

Cột mốc chủ quyền thiêng liêng ở đảo Nam Yết (Ảnh: Internet)

Thời kỳ Pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra đóng giữ các đảo. Để quản lý hành chính, ngày 21-12-1933, Thống đốc Nam kỳ đã ra Nghị định số 4762-CP sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa (Nam kỳ). Ngày 30-3- 1938, Hoàng đế Bảo Đại ra dụ số 10 (ngày 29-2 năm Bảo Đại thứ 13) tách quần đảo Hoàng Sa khỏi hạt tỉnh Nam Ngãi đặt vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 156-S-V thành lập một đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa, tỉnh Thừa Thiên. Ngày 5-5- 1939, Toàn quyền Đông Dương lại ký Nghị định số 3282 tách quần đảo Hoàng Sa làm hai đơn vị hành chính. Trong năm 1938, Pháp đã tiến hành dựng bia chủ quyền ở đảo Hoàng Sa, thuộc quần đảo Hoàng Sa, trên cột mốc có chi dòng chữ “Cộng hòa Pháp, Đế quốc Annam, quần đảo Hoàng Sa - 1816, đảo Trường Sa - 1838”. Pháp xây xong một cột hải đăng, lập trạm khí tượng, trạm vô tuyến điện ở đảo Hoàng Sa (quần đảo Hoàng Sa) và một trạm khí tượng ở đảo Ba Bình (Trường Sa). Trong suốt các năm 1931- 1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 6-9-1951, tại Hội nghị San Francisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam thời đó trong phát biểu của mình, tiếp tục khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo: “Và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam”. (Còn tiếp)

H.ANH  (Nguồn: Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=521
Quay lên trên