Nâng cao vai trò của Bình Dương trong liên kết vùng 

Cập nhật: 30-10-2015 | 09:49:48

Ngày 13-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quyết định này đề ra mục tiêu đến năm 2020: Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thành vùng phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững. Là vùng kinh tế động lực đầu tàu; là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa, đào tạo, y tế… của cả nước và khu vực.

 

 Liên kết vùng giúp Bình Dương phát triển mạnh hơn. Trong ảnh: Quốc lộ 13 - tuyến đường huyết mạch tạo động lực cho Bình Dương phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Ảnh: XUÂN THI

 Thuận lợi để liên kết vùng

Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo. Trong các tỉnh giáp với TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương có lợi thế phát triển nhất nhờ phía tây có chung sông Sài Gòn, phía nam có TX.Dĩ An, TX.Thuận An và TP.Thủ Dầu Một là khu vực phát triển đô thị gắn kết với vùng “lõi” của TP.Hồ Chí Minh. Bởi thế, không ngạc nhiên khi trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bình Dương đều nêu cao sự cần thiết của liên kết vùng, mà TP.Hồ Chí Minh chính là “điểm tựa” cho tỉnh nhà đề ra chiến lược phát triển.

 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, trong giai đoạn mới vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không thể giữ nguyên vị thế dẫn dắt phát triển mà không có sự thay đổi cơ bản. Vùng này cần tạo lập và vươn lên đẳng cấp phát triển mới mang tầm khu vực Đông Nam Á; thiết lập cấu trúc ngành mới, với vai trò các ngành dịch vụ hiện đại, đặc biệt là ngành logistics và một trung tâm công nghiệp - công nghệ cao lôi cuốn các tỉnh “đi sau” trong vùng bắt nhịp vào quỹ đạo phát triển hiện đại thông qua kết nối và lan tỏa. Từ đó đưa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành một trung tâm kết nối - hội tụ bậc nhất của tiểu vùng sông Mê Kông.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, các nội dung cần thực thi sự liên kết vùng là phân bổ lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương; đồng thời xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, quốc tế; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất... Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng cần hợp tác huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế, quảng bá văn hóa toàn vùng; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mai, du lịch; cùng với đó cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh vùng…

 

 

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, những năm tới trong tầm nhìn chiến lược, Bình Dương cần lưu ý những điểm then chốt, đó là: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang có sự thay đổi lớn về cấu trúc liên kết khi trong vùng đã và đang hình thành các tọa độ lớn kết nối vùng kinh tế mới; cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành sẽ là tổ hợp trung chuyển quốc tế; hệ thống kết nối đường cao tốc trên bộ bao gồm cả đường bộ và đường sắt.

Nâng cao vai trò của Bình Dương

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, với các tuyến nối tầm cỡ nói trên, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có sự chuyên dịch mạnh mẽ theo các khối lớn (công nghiệp - dịch vụ - đô thị), theo hướng hiện đại hóa nhanh. Trong quá trình này sẽ hình thành không gian vùng TP.Hồ Chí Minh gần trùng khớp với “Tứ giác hạt nhân” phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương. “Tứ giác hạt nhân” này sẽ đóng vai trò quyết định sức mạnh kinh tế của toàn vùng, tạo thành đầu tàu hiện đại hóa cho cả nền kinh tế của đất nước.

Đối với Bình Dương, trong thời gian tới sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là các công trình thực hiện chương trình đột phá của tỉnh để hoàn thiện kết nối với các trung tâm phát triển của tỉnh và hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng, qua đó nâng cao vai trò của Bình Dương trong “Tứ giác hạt nhân” và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là một nhiệm vụ có tính chiến lược và lâu dài đối với Đảng bộ tỉnh Bình Dương.

Để thực hiện nhiệm vụ này, theo các chuyên gia cần có hàng loạt giải pháp có tính đột phá với cả 3 cấp Trung ương, cấp vùng và cấp tỉnh. Trước mắt, cần ưu tiên xây dựng và hoàn chỉnh các tuyến hạ tầng kết nối vùng, trong đó trọng điểm là hành lang Đông - Tây phía Nam với đường sắt, đường bộ cao tốc nối Việt Nam (từ Vũng Tàu) - Campuchia - Thái Lan và Myanmar (cảng Dawei); đồng thời khẩn trương xây dựng sân bay Long Thành với tư cách là trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của Việt Nam. Riêng tỉnh Bình Dương, cần củng cố và tăng cường tiềm lực cho các công ty lớn để vươn lên tầm cạnh tranh khu vực và quốc tế.

 PHÙNG HIẾU

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên