Cùng với cả nước, 10 năm qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã và đang là phong trào được Bình Dương tích cực hưởng ứng và đạt được những thành quả bước đầu đáng ghi nhận. Thời gian qua, trong quá trình thực hiện, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm hơn đến những nội dung trọng tâm của chương trình, xây dựng xã NTM nâng cao và kiểu mẫu với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn.
Và đó cũng là những mục tiêu quan trọng mà việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hướng tới, không những góp phần tạo sự bền vững, ổn định cho các địa phương đạt chuẩn NTM có điều kiện xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng vững chắc mà còn tạo động lực mới để thực hiện đạt những tiêu chí, yêu cầu cao hơn.
Việc thực hiện xây dựng NTM là phải tạo được sự đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng, đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là giao thông, hạ tầng, cơ sở vật chất văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, giảm nghèo nhanh, bền vững. Đồng thời phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, lấy phục vụ lợi ích cho người dân nông thôn làm động lực trong xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Từ thực tế việc triển khai thực hiện chương trình, nhiều bài học kinh nghiệm quý đã được rút ra, như: Ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể thì ở đó phong trào có hiệu quả rõ rệt. Ở đâu có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, phương thức huy động các nguồn lực phù hợp thì ở đó sớm thực hiện đạt các tiêu chí.
Trong thực hiện chương trình, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước cần hết sức quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xã hội; hỗ trợ người dân về vốn cho đầu tư phát triển sản xuất; có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào nông nghiệp nông thôn cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động theo hướng ngày càng hiệu quả và tích cực hơn. Phải xem xây dựng NTM vừa là mục tiêu, yêu cầu phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng chất, nâng tầm NTM.
NHẬT HUY