Ngành Công Thương: Tăng cường kiểm soát, ổn định thị trường

Cập nhật: 02-01-2014 | 00:00:00

 Gian lận thương mại, hàng lậu vẫn phức tạp

Năm 2013, hoạt động buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại (GLTM) vẫn diễn biến phức tạp. GLTM diễn ra ở hầu hết các ngành hàng, trong đó nghiêm trọng nhất là mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng, việc chiếm dụng bình LPG trái phép tăng cao, quy mô tương đối lớn. Cụ thể như qua kiểm tra đột xuất, tổ kiểm tra liên ngành xăng dầu đã phát hiện, thu giữ 670 bình LPG loại 12kg, 19kg và 45kg nhái nhãn hiệu tại địa chỉ 6/6, khu phố Đông Tân, phường Dĩ An, TX.Dĩ An. Tiếp đó ngành cũng phát hiện 1.032 bình LPG nhãn hiệu Dakgas của Công ty Cổ phần Khí hóa lỏng Long Phụng Kon Tum. Đây là hành vi vi phạm chiếm giữ trái phép, mua bán, trao đổi bình LPG không thuộc sở hữu… Ngành đã xử phạt 35 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm nói trên.  Lực lượng chức năng kiểm tra các loại hàng hóa nhập lậu, nhái nhãn hiệu...

Nổi cộm trong thời gian qua là các mặt hàng nhập lậu, cấm kinh doanh như thuốc lá ngoại, điện thoại di động, phụ kiện, bài lá, quần áo lót… được phát hiện tăng cao so với năm trước. Gần đây, ngành chức năng đã kiểm tra, phát hiện 5.490 bao thuốc lá ngoại các loại tại một cửa hàng. Đáng nói hơn, chủ cửa hàng là ông Đinh Tấn Nam còn cất trữ 1.524 chai dầu ăn loại 400ml, 900ml cùng với đó là hàng trăm giấy nhãn hiệu, màn co, nắp chai, vỏ chai, bao bì mang nhãn hiệu dầu ăn Đại Nam… nhưng chủ cửa hàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào có liên quan dến toàn bộ số hàng hóa nêu trên. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Chi cục QLTT đã chuyển hồ sơ vụ việc đến Công an TX.Thuận An thụ lý, xác minh làm rõ.

Tăng cường chống buôn lậu dịp tết

Nhằm phòng chống tình trạng bán hàng giả, hàng lậu, hàng cấm… trong dịp tết 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2245/CĐ-TTg, chỉ đạo ngành hữu quan tăng cường kiểm tra kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, đặc biệt là pháo, xăng dầu, bánh kẹo, nước giải khát… Sẽ cách chức, điều chuyển hoặc loại ra khỏi ngành các cá nhân tiếp tay hoặc làm ngơ để hoạt động buôn lậu diễn ra. Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương phải phối hợp để kịp thời phát hiện, điều tra, làm rõ các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phối hợp để kiểm tra, kiểm dịch các loại thực phẩm, đồ uống nhằm bảo đảm vệ sinh thực phẩm, sức khỏe người dân. Các cơ quan thông tấn báo chí phải phối hợp với cơ quan chức năng để phản ánh kịp thời về công tác đấu tranh chống buôn lậu, chống các tiêu cực xảy ra.

Vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là vấn đề nóng khi nhiều cá nhân, doanh nghiệp sai phạm. Cụ thể, tại cơ sở Đông Nam (đường ĐX13 khu phố 7, phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một) tổ chức sản xuất, kinh doanh cà phê xay dưới hình thức chi nhánh doanh nghiệp nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đáng nói hơn, dù mặt hàng cơ sở này sản xuất là cà phê nhưng qua kiểm nghiệm lại không hề có hàm lượng cafein (!?). UBND tỉnh đã quyết định xử phạt hành chính với số tiền 33,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy 185kg cà phê bột mang nhãn hiệu cà phê cao cấp hiệu Đông Nam.

Trên đây chỉ là một vài vụ điển hình trong hàng trăm số vụ có liên quan đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đã liên tiếp bị lực lượng chức năng phát hiện. Trong đó, nạn sản xuất giả, nhái nhãn hiệu, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra khá phổ biến.

Trong năm 2013, ngành chức năng đã kiểm tra 3.101 vụ, phát hiện 750 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả. Đã xử phạt với số tiền trên 4,2 tỷ đồng, tịch thu lượng hàng hóa vi phạm giá trị hơn 2,5 tỷ đồng.

Lập lại trật tự thị trường

Tuy số vụ vi phạm đã giảm (giảm 123 vụ) so với cùng kỳ nhưng phương thức và thủ đoạn của các đối tượng khá tinh vi; lợi dụng chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để bán hàng nhái nhãn hiệu Việt chất lượng cao; lưu thông trên thị trường những loại thực phẩm có chỉ tiêu vi sinh vật gây bệnh vượt mức giới hạn cho phép… gây tác hại không nhỏ đến sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, QLTT tỉnh đã đề ra 8 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014, trong đó sẽ tăng cường tuyên truyền những quy định của Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đến các cơ sở kinh doanh để chấp hành tốt pháp luật thương mại, nhằm bài trừ có hiệu quả các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, để tăng cường lập lại trật tự thị trường và quyền lợi cho người tiêu dùng, bảo vệ nhà sản xuất, kinh doanh chân chính, ngành chức năng sẽ thường xuyên tổ chức trinh sát, nắm địa bàn, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, xử lý kịp thời các trường hợp đầu cơ, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Đặc biệt, tiến tới thành lập Tổ kiểm tra liên ngành xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng, tập trung kiểm tra chuyên đề nhân các dịp lễ, tết trong năm.

 TRÚC HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=183
Quay lên trên