Nghề guốc truyền thống Bình Dương: Đâu rồi tiếng “lộc cộc”?

Cập nhật: 13-08-2013 | 00:00:00

Khu vực Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) và Bình Nhâm (TX.Thuận An), từng được ví là “kinh đô” của nghề guốc Bình Dương. Với mẫu mã đẹp, bền, nghề guốc đã cung cấp một số lượng lớn cho các tỉnh phía Nam, Trung và xuất khẩu sang các nước châu Âu. Ngày nay, với sự xuất hiện của các loại guốc xốp, guốc nhựa… đã khiến nghề guốc gỗ Bình Dương mất dần chỗ đứng trên thị trường.

Thời “hoàng kim” của nghề guốc

Khi hỏi về nghề guốc, nhiều người làm nghề không biết nghề này đến Bình Dương khi nào. Tuy nhiên, họ chỉ biết rằng, nghề do “cha truyền con nối”. Còn theo tài liệu nói về làng nghề Bình Dương, các nhà làm guốc mộc quy tụ đông đảo từ Lái Thiêu lên Bình Dương, thứ nhất tại khu Bình Nhâm và các nhà sơn guốc cũng ở gần dọc con đường nối liền Sài Gòn - Bình Dương, đa số tập trung ở khoảng từ Vĩnh Phú lên Hiệp Bình (Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh). Riêng ở khu vực TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một), nghề guốc tập trung nhiều nhất ở xóm (ấp) Phú Văn thuộc phường Phú Thọ. Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thọ Lưu Kim Long, kể rằng: “Theo tìm hiểu của hội, nghề guốc tại đây có lịch sử trên 100 năm và rất hưng thịnh. Lúc đó nhà nhà, người người làm guốc nên xóm guốc luôn nhộn nhịp tiếng cưa, bào, chà nhám. Đi đến đâu cũng nghe tiếng lộc cộc của người mang guốc gỗ. Nhờ đó, nhiều gia đình ở đây đã cải thiện đời sống, vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu”.

Cưa cây tạo ra đế guốc, một công đoạn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ của người thợ

Theo thống kê tại địa chí Thủ Dầu Một năm 1901, tại làng guốc Phú Văn có trên 80 hộ gia đình sống bằng nghề guốc cha truyền con nối. Và từ đó đã hình thành nên con đường mang tên Xóm Guốc. Đến năm 1999, tên đường đó chính thức được chính quyền công nhận ghi vào hệ thống các tên đường TX.Thủ Dầu Một (theo “Lược sử tên đường TX.Thủ Dầu Một” xuất bản năm 2008, trang 209). Cùng thời, nghề guốc Bình Nhâm cũng vang tiếng với gần 100 hộ làm nghề. Đây có thể nói là thời “hoàng kim” của nghề guốc.

Trước đây, guốc gỗ Bình Dương khẳng định được tên tuổi trên thương trường, bởi đáp ứng được thị hiếu của khách hàng với các sản phẩm bền đẹp, mẫu mã phong phú. Về sau người làm guốc ở Bình Dương kết hợp với nghề truyền thống khác làm thành guốc sơn mài có dáng vẻ, màu sắc mỹ thuật hấp dẫn. Lao động làm nghề guốc công việc không nặng nhọc mà đòi hỏi phải có sự khéo léo, cần mẫn. Ông Nguyễn Văn Sự (SN 1962), chủ cơ sở guốc Văn Sự (Xóm Guốc), nói: “Gia đình tôi theo nghề guốc vài chục năm trước. Lúc nhỏ mỗi lần thấy ba mẹ làm guốc tôi lại ao ước sẽ được nối nghiệp. Ước mơ đó thành sự thật khi gia đình truyền nghề cho tôi”.

Khó giữ làng nghề!

Nghề làm guốc đã làm nên tên tuổi của Bình Dương, nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Hiện nay, làng nghề này đang có nguy cơ mai một khi người tiêu dùng không “mặn mà” với guốc. Bên cạnh đó, guốc Bình Dương chưa có một phương án khả thi để cạnh tranh, phát triển. Đến Xóm Guốc bây giờ, hình ảnh, tiếng động nhộn nhịp của tiếng cưa, bào chỉ còn là dĩ vãng. Dù rất yêu nghề, nhưng không thể sống được bằng nghề nên nhiều người tâm huyết với nghề đã chuyển sang làm công việc khác. Theo tìm hiểu, toàn phường Phú Thọ còn hơn 6 hộ theo nghề, phường Bình Nhâm có 1 cơ sở sản xuất guốc ra thành phẩm và trên 10 hộ làm giai đoạn đầu (cưa cây và đế guốc). Gia đình anh Phan Thanh Phong, cơ sở gia công đế guốc tại Phú Thọ, chia sẻ: “Tôi kế thừa cái nghiệp này từ tổ tiên, cũng đã được hai, ba thế hệ. Tuy nhiên, do kinh tế gia đình khó khăn, tôi đã tạm rời xa nghề. Hiện nay, chúng tôi chỉ sản xuất những lúc nhàn rỗi”.

 Vẽ đế guốc...   và đóng đế guốc bằng cao suĐể làm ra đôi guốc phải mất rất nhiều công đoạn. Từ cây gỗ phải cưa khúc, bổ khổ sau đó cho vào máy xẻ, tiếp đến là công đoạn mài thô rồi định hình dạng của chiếc guốc. Tiếp đến là công đoạn mài bóng, mài nhẵn và phun sơn. Công đoạn cuối cùng là đóng đế và quai. Tuy nhiên, hiện nay những hộ còn “trụ” với nghề guốc Bình Dương chỉ gia công đế guốc, sau đó bán cho các tỉnh, thành khác để tạo ra thành phẩm.

Về chính sách khôi phục và định hướng phát triển làng nghề, ông Lê Văn Ngà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Bình Nhâm, cho rằng: “Dù rất mong muốn giữ gìn, phát huy làng nghề nhưng chúng tôi đang gặp nhiều khó khăn. Bởi, thị trường guốc rất cần mẫu mã đẹp và thời trang, nhưng các cơ sở ở địa phương chỉ làm sản phẩm thô”.

Tìm lại tiếng guốc!

Trao đổi với một số hộ dân yêu nghề, chúng tôi nhận thấy sự khát khao được lưu giữ làng nghề. Họ mong ước được thấy ngày “trở về” của nghề guốc. Tâm huyết đó được thể hiện qua câu nói: “Nghề làm guốc thấm vào máu, bao giờ còn làm được thì tôi vẫn sẽ giữ nghề”, hay “Sống vì nghề, không phụ nghề”… Tình yêu nghề “vô bờ bến” của người dân như thế nhưng khi không có đầu ra, liệu làng nghề sẽ đi về đâu?

May mắn thay khi nhiều người “quay lưng” với việc tạo ra thành phẩm guốc, Công ty sản xuất guốc gỗ Hùng Thái (Bình Nhâm), do anh Thái Văn Anh Hùng làm chủ vẫn cố gắng phát triển nghề. Tại cơ sở của anh hiện có trên 40 nhân công làm việc. Hàng năm xuất khẩu gần 1.000 đôi guốc sang các nước châu Âu. Thị trường trong nước chủ yếu là các shop thời trang tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội. Theo anh Hùng, bí quyết để nghề “sống” được, đó là công ty luôn thay đổi mẫu mã phù hợp với thị hiếu người dùng.

Có thể nói sự tồn tại của Công ty Hùng Thái là tín hiệu vui cho nghề guốc Bình Dương. Tuy nhiên, nghề guốc hiện đang cần lắm sự quan tâm hơn nữa từ phía chính quyền. Bởi, đầu ra sản phẩm khó, giá cả thấp, nguyên vật liệu cao… nên rất cần có hợp tác xã nghề guốc, hay hiệp hội để giải bài toán khó về đầu ra cho làng nghề, dẫu biết mẫu mã guốc mộc không bằng giày, dép thời trang. Tuy nhiên, để đôi guốc mộc Bình Dương không chỉ tồn tại trong ký ức của người dân, các cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế mẫu guốc để có nhiều mẫu mã mới, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch tham quan làng nghề, sẽ vừa góp phần bảo tồn nghề truyền thống, tạo thêm thu nhập và giải quyết việc làm ổn định cho người dân.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên