Người dân cần chủ động phòng, chống sốt xuất huyết

Cập nhật: 17-11-2022 | 08:56:50

 Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng diễn biến thất thường, bệnh phức tạp, biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều. Ngành y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà, phòng tránh muỗi đốt và diệt lăng quăng là cách đơn giản và hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh SXH.

 Người dân cần loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà để phòng, chống SXH

 Phòng tránh muỗi đốt và diệt lăng quăng

Bác sĩ CK1 Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: SXH là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn là trung gian lây truyền bệnh. Muỗi vằn nhiễm vi rút từ việc chích, đốt người bệnh SXH. Sau một thời gian, vi rút ủ bệnh và nhân lên trong cơ thể muỗi. Muỗi truyền vi rút SXH sang người lành thông qua việc chích đốt và hút máu. Người ở mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh SXH. Trường hợp bệnh nhẹ thường sẽ tự khỏi; trường hợp bệnh tiến triển nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

“Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi đốt. Ngành y tế khuyến cáo người dân không nên chủ quan, lơ là trong việc phòng, chống bệnh SXH vì dịch bệnh đang có xu hướng diễn tiến thất thường, tính chất bệnh phức tạp, biến chứng nguy hiểm xuất hiện ngày càng nhiều”, bác sĩ Quách Hoàng Mỹ nói.

Người bệnh khi xuất hiện những triệu chứng cần nghĩ ngay đến SXH, như: Sốt cao đột ngột, liên tục 2 ngày trở lên và không giảm khi uống thuốc hạ sốt; có dấu hiệu xuất huyết (từ ngày thứ 2, 3 trở đi): Có dạng chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, mũi, nôn hoặc tiêu, tiểu ra máu, phụ nữ bị hành kinh sớm hoặc nhiều; người mệt mỏi, đau đầu, đau sau hốc mắt, đau bụng, đau cơ, khớp.

Khi bị SXH, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và được hướng dẫn theo dõi, điều trị khi có những dấu hiệu nghi ngờ. Trường hợp mắc SXH nhẹ, người bệnh sẽ được bác sĩ cho về theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý khi có các dấu hiệu chuyển nặng, nhất là từ ngày thứ 3 trở đi thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Người dân cần dành thời gian để dọn dẹp nơi ở

Hiện nay, thời tiết mưa, nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi phát triển. Từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh tăng hơn 107% so với cùng kỳ năm 2021. Số ca mắc chuyển nặng chủ yếu là trẻ em. Mặc dù ngay từ đầu năm ngành y tế đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân sinh sống trên địa bàn cách phòng, chống bệnh SXH, nhưng ý thức của người dân còn hạn chế. Trong đó, nhiều phụ huynh còn chủ quan khi thấy con em mình có triệu chứng nóng, sốt thì tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà và khi bệnh trở nặng mới đưa vào cơ sở y tế. Để phòng bệnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố đã phun hóa chất dập dịch, thả muỗi vằn wolbachia để khống chế sự lây truyền một số loại bệnh do muỗi vằn gây ra tại các địa phương đang có ổ dịch.

Dự báo sắp tới dịch bệnh SXH sẽ còn diễn biến phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, dịch bệnh SXH có thể phòng và tránh nếu mỗi người dân ý thức hơn trong cuộc sống hàng ngày, như: Thường xuyên diệt muỗi và lăng quăng, thay nước bình bông hàng ngày, thu gom, hủy bỏ phế thải xung quanh nhà. Người dân cần dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình sinh sống, làm việc, từ trong nhà đến xung quanh nhà; thu dọn, không để vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

Ngành y tế kêu gọi các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ động ngăn chặn dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát. Các cấp chính quyền huy động ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bảo đảm tất cả hộ gia đình tại vùng có dịch và nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi, tiến hành các hình thức diệt lăng quăng. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức cố tình không thực hiện các hướng dẫn phòng, chống SXH, để dịch bệnh lây lan tại địa phương.

Như vậy, để phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, người dân cần loại bỏ các vật dụng chứa nước không cần thiết xung quanh nhà; phòng tránh muỗi đốt và diệt lăng quăng là cách đơn giản, hiệu quả nhất.

 BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH SXH:

1. Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà; thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

2. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến.

3. Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…

4. Đậy kín dụng cụ chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và sinh lăng quăng, muỗi.

5. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.

6. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

CÁC DẤU HIỆU BỊ SXH CHUYỂN NẶNG:

- Ói nhiều, đau bụng nhiều.

- Ở trẻ em cần lưu ý dấu hiệu tay chân lạnh, trẻ hết sốt nhưng vẫn mệt.

- Có những dấu hiệu xuất huyết: Chảy máu cam; chảy máu chân răng; ói ra máu; đi cầu phân đen; xuất huyết âm đạo ở nữ.

 HOÀNG LINH - GIANG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên