Phác họa đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020

Cập nhật: 11-08-2012 | 00:00:00

Đồ án quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020 mới được UBND tỉnh quyết định đã phác họa được một bức tranh đô thị theo mô hình đa trung tâm, cân bằng phát triển không gian và kinh tế. Cảnh quan sông rạch cũng được đưa vào cấu trúc đô thị góp phần tạo điểm nổi bật cho TP.Thủ Dầu Một...  Một góc trung tâm Thành phố mới Bình Dương

Không gian đô thị: 3 khu vực chính

Theo quyết định điều chỉnh đồ án quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một mới được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung ký phê duyệt thì, trong tương lai sẽ chia thành 3 khu vực chính. Khu vực một thuộc về phía Nam Thủ Dầu Một (khu vực quanh đại lộ Bình Dương và đường Phú Lợi), đây là khu vực dịch vụ, kinh doanh tài chính, thương mại cấp tỉnh và là trung tâm chính trị hành chính của thành phố, gồm đầy đủ các công trình dịch vụ đô thị tương đương cấp quận (gồm các phường Phú Cường, Hiệp Thành, Phú Hòa, Phú Lợi, Phú Thọ, Chánh Nghĩa). Khu vực thứ hai là Đông - Bắc Thủ Dầu Một mà trọng tâm là khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Đây là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và công nghiệp của tỉnh, bao gồm các phường Hòa Phú, Phú Tân, Phú Mỹ và một phần xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên). Khu vực này phát triển đô thị đa chức năng, các khu dân cư gắn với khu công nghiệp. Trung tâm của khu vực thứ hai này nằm ở phường Phú Tân. Khu vực thứ ba nằm về phía Tây của Thủ Dầu Một (khu vực ven sông Sài Gòn), là khu vực phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, gồm các phường: Định Hòa, Hiệp An và các xã Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An và một phần xã Tân Định (Bến Cát). Do đặc điểm của địa lý nên khu vực này được dành riêng để phát triển các khu vườn cây trái cộng với các hoạt động du lịch. Nơi đây được khuyến khích phát triển biệt thự vườn, hướng ra sông Sài Gòn xem như là bản sắc về kiến trúc khu dịch vụ, dân cư.

Phía Đông - ưu tiên nhà cao tầng

Theo định hướng phát triển nhà ở thì hiện nay diện tích bình quân đang ở mức 18,6m2/người nhưng đến năm 2015 dự kiến sẽ tăng lên 22m2/sàn/người, giai đoạn 2020 đến 2030 sẽ đạt mức trên 25m2/sàn/người. Đối với nhà ở tại các phường thuộc phía Nam thì sẽ được nâng cấp theo dạng ô phố là chủ yếu, đồng thời từng bước cấy ghép một số mô hình tiên tiến dạng chung cư cao tầng như Becamex Center, chung cư Chợ Đình... Còn nhà ở khu vực phía Bắc chủ yếu phát triển dạng nhà vườn thấp tầng, phía Tây thì phát triển nhà vườn. Riêng khu vực phía Đông sẽ định hướng phát triển nhà ở cao cấp hiện đại, ưu tiên cho chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại. Hiện nay, khu vực này đang được đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị hiện đại như Uni-Town, Đông Đô đại phố, khu biệt thự, khu đô thị Tokyu, khu nhà ở an sinh cao tầng của Becamex IDC...

Về hệ thống giáo dục cũng được định hướng xây dựng các trường đại học tiên tiến, hiện đại khu vực phường Phú Tân, đồng thời nâng cấp và mở rộng các trường Đại học Bình Dương, Đại học Bán công, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật... Riêng trường Đại học Thủ Dầu Một được chuyển đến địa điểm mới thuộc xã Thới Hòa, huyện Bến Cát. Hệ thống trường THPT, nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học cũng được nâng cấp, xây dựng mới để đáp ứng nhu cầu. 

Giao thông đối ngoại thông qua các trục chính

Hệ thống giao thông đối ngoại của đô thị Thủ Dầu Một được kết nối thông qua các trục chính bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt. Về đường bộ có đại lộ Bình Dương kết nối quốc lộ 13, đến năm 2015 xây dựng thêm tuyến đường trên cao để tăng năng lực lưu thông. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn nối từ Bàu Bàng (Bến Cát) đi qua Thủ Dầu Một theo hướng Bắc - Nam, là trục đường chính trong tương lai để vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp phía Bắc về cảng Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đường vành đai 3 trùng với đường Mỹ Phước - Tân Vạn đoạn phía Nam đến ngã tư Bình Chuẩn và đi theo hướng Đông - Tây qua phía Nam của Thủ Dầu Một. Tuyến đường này sẽ rút ngắn khoảng cách từ Bình Dương đến TP.HCM, Đồng Nai, Long An...

Về đường thủy, theo định hướng phát triển sẽ cải tạo, nâng cấp cảng Bà Lụa trên sông Sài Gòn thành cảng phục vụ du lịch và các ghe tàu tải trọng nhỏ. Đồng thời định hướng phát triển hệ thống taxi nước với cụm bến tại khu vực chợ Thủ Dầu Một, khu Đại Nam... Về đường sắt có tuyến xuyên Á với 2 trạm xe lửa tại khu vực đô thị Thủ Dầu Một là trạm Bình Chuẩn và trạm Phú Tân. Đây cũng là phương tiện giao thông quan trọng góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, hành khách từ Bình Dương đến các tỉnh, thành khác và ngược lại.

Xây dựng mới đi đôi với cải tạo

Đầu tư xây dựng mới đi đôi với cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng kỹ thuật là một định hướng của tỉnh trong phát triển đô thị Thủ Dầu Một thời gian tới. Do đó, các công trình được đầu tư xây dựng mới chủ yếu là công trình trọng điểm, cấp thiết và các công trình thuộc khu vực các xã, phường đang cần được “nâng cấp”. Theo đó, việc bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản các năm tới cũng dựa trên cơ sở này. Khu vực Thủ Dầu Một hiện hữu cũng sẽ đẩy mạnh việc nâng cấp, cải tạo để đáp ứng yêu cầu của đô thị văn minh, hiện đại như: nâng cấp chỉnh trang chợ Thủ Dầu Một và các chợ truyền thông. Khu vực trung tâm Thủ Dầu Một (phường Phú Cường) cũng được yêu cầu hạn chế xây dựng về độ cao và mật độ xây dựng...

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=350
Quay lên trên