Công tác dân vận:

Phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng Đảng, chính quyền

Cập nhật: 08-08-2017 | 09:21:49

Công tác dân vận ở Bình Dương ngày càng đi vào chiều sâu và đã xuất hiện hàng trăm mô hình, gương điển hình “Dân vận khéo”.

Đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo”

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua tiếp tục lan tỏa sâu rộng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện. Phong trào này đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong công tác vận động nhân dân, nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. “Dân vận khéo” tiếp tục tạo ra động lực phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Một trong những kết quả nổi bật từ phong trào “Dân vận khéo” mang lại thời gian qua là việc thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là một phong trào được tỉnh thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua với khẩu hiệu “Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM”. Phong trào này đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng các cấp, các ngành và được các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng; được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức thiết thực, theo phương châm phát huy nội lực là chính. Kết thúc giai đoạn 1, toàn tỉnh đã có 42/49 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM, đồng thời giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt.


Đồng chí Nguyễn Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp làm công tác dân vận.
Ảnh: P.V

Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình, huyện Phú Giáo, một trong những xã đang phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng NTM cho biết, thông qua thực hiện “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM, xã đã huy động được nhiều nguồn lực để bảo đảm hoàn thành chương trình. Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động trong thực hiện chương trình NTM của xã đạt hơn 200 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà nước hơn 123 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 58 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 11 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp hơn 7 tỷ đồng. Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã An Bình đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí và phấn đấu đến cuối năm 2018 hoàn thành 4 tiêu chí còn lại để trở thành xã NTM.

“Với việc huy động được nhiều nguồn lực, chương trình xây dựng NTM của xã đạt được kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi rõ nét. Với 4 tiêu chí còn lại gồm các tiêu chí giao thông, điện, môi trường, trật tự an ninh xã hội, xã đang rất quyết tâm để hoàn thành. Trong đó, xã cũng đã xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Dân vận khéo” để thực hiện thành công các tiêu chí trên”, ông Võ Văn Lợi nói.

Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Xác định được vai trò, vị trí quan trọng của công tác dân vận trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Công tác dân vận từng bước được cụ thể hóa và thực thi trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào dự thảo các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận… và những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nội dung, hình thức, phương pháp dân vận hướng đến nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngày càng đa dạng. Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến tham vấn, góp ý của nhân dân. Các đơn vị, địa phương còn tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với việc phục vụ của các cơ quan Nhà nước; tổ chức lấy ý kiến nhận xét của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trước khi kiểm điểm cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên theo quy định. Nhiều địa phương, đơn vị cơ sở đã tổ chức được hòm thư góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân thông qua trang thông tin điện tử, hộp thư điện tử, số điện thoại “đường dây nóng” của các cơ quan, đơn vị, địa phương, thông qua chuyên mục góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, thường xuyên tổ chức tiếp xúc giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân và giám sát, phản biện xã hội ở các cấp, bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần tích cực trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Điều này cũng giúp mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo ra động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Điển hình như tại huyện Phú Giáo, xác định được vai trò, vị trí của công tác dân vận trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đạt được những kết quả tích cực; từng bước được cụ thể hóa và thực thi trên lĩnh vực của đời sống kinh tế- xã hội, trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Ông Nguyễn Thanh Ngân, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Giáo cho biết, công tác dân vận của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền địa phương ngày càng trong sạch vững mạnh; đồng thời giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên thông qua việc góp ý kiến, phản ánh, giám sát của nhân dân tự soi rọi mình để phát hiện những hạn chế, khuyết điểm và kịp thời sửa chữa, khắc phục. Qua đó, huyện đã phát huy hiệu quả công tác dân vận, góp phần tích cực trong việc đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên