“Phép màu” cho doanh nghiệp chống ô nhiễm

Cập nhật: 09-07-2011 | 00:00:00

Khi doanh nghiệp vừa bị đưa vào danh sách đen gây ô nhiễm môi trường trong năm qua, Công ty TNHH Đại Lợi đã phải chạy khắp nơi để kiếm nguồn vốn đầu tư cho công trình xử lý nước thải. May là họ đã tìm đến đúng Quỹ Bảo vệ môi trường Bình Dương (QBVMT).

Ngay sau đó, với không nhiều thủ tục, Công ty TNHH Đại Lợi đã nhận được gói vay hỗ trợ 324 triệu đồng để đầu tư xây mới hoàn toàn hệ thống xử lý nước thải dành cho dây chuyền chế biến mủ cao su. Đây thực sự là “cứu cánh” dành cho Đại Lợi trong việc khắc phục môi trường và “thoát hiểm” khỏi danh sách đen, tiếp tục đầu tư, làm ăn.

  Nhờ khoản vay ưu đãi từ QBVMT, Công ty Công trình đô thị Bình Dương đã mua mới thêm 4 xe thu gom rác thảiTừ năm 2009, khi nhu cầu giải quyết rác thải trên địa bàn tăng cao và cần phải mua thêm xe chở rác, Công ty Công trình đô thị Bình Dương không thể kiếm đâu ra nguồn kinh phí. Chính vì thế, cũng như Đại Lợi, công ty này phải liên tục tìm hiểu các nguồn vốn vay khác để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh. Bà Trần Thị Gái, Phó Giám đốc Công ty Công trình đô thị Bình Dương bộc bạch: “Đó là thời điểm cam go, khi chúng tôi không thể kiếm đâu ra con số 6 tỷ đồng để đầu tư mua mới 2 xe rác đáp ứng nhu cầu thu gom rác thải của doanh nghiệp. Vay vốn ngân hàng cũng là phương án được tính đến nhưng bất khả thi vì lãi suất quá cao, mua xe về hoạt động sẽ không hiệu quả, thậm chí là thua lỗ”. Sau đó, QBVMT đã duyệt gói vay hỗ trợ lên đến 4 tỷ đồng, chiếm 66% tổng số tiền cho dự án mua 2 xe thu gom rác thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Lãi suất phải thanh toán của doanh nghiệp đối với quỹ rất thấp chỉ khoảng 6%/năm. Chính vì thế, xe mua về hoạt động rất hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cải thiện đời sống cho anh em công nhân. Bà Trần Thị Gái cho biết thêm: “Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục lên dự án mua thêm xe thu gom rác thải và một xe thông cống, hút bùn trị giá lên đến 6 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục tận dụng nguồn vốn vay lãi suất thấp từ QBVMT”.

Đó là hai trong số các doanh nghiệp được vay vốn từ QBVMT. Trong năm 2010, quỹ đã tiếp nhận 20 dự án xin vay vốn để đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, mua xe gom rác thải... Quỹ đã tiến hành thẩm tra và chấp thuận cho vay 8 dự án với tổng mức vốn là 14,3 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong 6 thang đầu năm 2011, quỹ tiếp nhận 18 dự án vay vốn với tổng nhu cầu vốn lên đến 40 tỷ đồng. Hiện, QBVMT đã ký duyệt cho vay 3 dự án với tổng vốn 5 tỷ đồng, 6 dự án khác đang tiếp tục được thẩm tra.

Bà Phan Thị Hoa, Giám đốc QBVMT Bình Dương cho biết: “Bất kỳ DN nào có chương trình, dự án hoặc phương án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đều có thể tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi của quỹ. Chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn thông tin và tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN vay vốn, đầu tư các hệ thống xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường để yên tâm sản xuất”. Vốn điều lệ của quỹ là 30 tỷ đồng và hàng năm lại được bổ sung từ các nguồn khác nhau. Trong đó, nguồn ký quỹ của các công ty khai thác đá trên địa bàn tỉnh và nguồn thu từ nước sinh hoạt đóng vai trò quan trọng. Theo bà Hoa, hiện nay, DN có đầy đủ thông tin, minh bạch sẽ được vay khoảng 70 - 75% tổng giá trị đầu tư của dự án trong thời hạn 10 năm, lãi suất ưu đãi khoảng 6%/năm.

Trong thời buổi tín dụng thắt chặt như hiện nay có được nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp, lại ít bị biến động trong thời gian dài quả là một tin vui cho DN. Chưa hết, trong chương trình này DN còn được hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường. Để tiếp cận được nguồn tài chính này, DN cần nắm rõ những lĩnh vực ưu tiên và tiêu chí lựa chọn của QBVMT như: tính cấp thiết, hiệu quả, tính phù hợp, tính nhân rộng và cuối cùng là khả năng hoàn trả vốn của dự án. Đó là những dự án như xử lý nước thải ở các khu công nghiệp, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, xử lý khí thải, sản xuất sạch và tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, bà Hoa cho biết thêm, DN được cấp vốn vay sẽ phải đáp ứng một số điều kiện như đầu tư mới hoặc thay thế một phần dây chuyền sản xuất, ít nhất phải cải thiện được 30% thông số môi trường. Những DN đã được vay vốn của quỹ cho rằng để được vay vốn, DN phải chuẩn bị hồ sơ thật kỹ và đầy đủ theo yêu cầu, nhằm giúp cho khâu kiểm tra chứng từ cũng như kiểm soát thực tế được tiến hành thuận lợi. Đại diện một số công ty đã từng vay vốn từ QBVMT cho rằng để dự án có tính thuyết phục, nhóm nghiên cứu cần làm kỹ để dự án bảo đảm tính thực tế, tính khả thi và số liệu chặt chẽ, bên cạnh khả năng hoàn vốn.

KHÁNH VINH

Bà PHAN THỊ HOA, Giám đốc QBVMT Bình Dương: “Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận và vay vốn”

QBVMT Bình Dương được thành lập năm 2009 với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, được rót từ ngân sách Nhà nước và được bổ sung hàng năm. Ngoài ra, quỹ cũng hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ trực tiếp cho các dự án và bổ sung nguồn vốn. Đây là tổ chức hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng phải bảo toàn vốn điều lệ và tự bù đắp chi phí quản lý.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên