Phong bì nhỏ, hậu quả lớn!

Cập nhật: 19-10-2011 | 00:00:00

Sau ngành giáo dục “nói không với bệnh thành tích”, thì nay đến lượt công đoàn ngành y tế “nói không với phong bì”. Cái phong bì tuy nhỏ, nhưng hậu quả đối với xã hội cũng nhức nhối chẳng khác nào căn bệnh thành tích trong ngành giáo dục. Hậu quả do cái phong bì gây ra là rất lớn! Hậu quả trước mắt và dễ thấy là làm giảm sút uy tín của một ngành được coi là cao cả; vấy bẩn màu áo trắng của những y bác sĩ chân chính sống bằng đồng tiền sạch từ mồ hôi, công sức của chính mình; làm băng hoại đạo đức xã hội. Hậu quả lớn hơn và khó thấy là đánh mất niềm tin của người dân vào chính quyền.

Công bằng mà nói thì cái phong bì tuy tồn tại trong ngành y tế đã lâu, nhưng chỉ “tác oai, tác quái” tại các bệnh viện lớn thuộc tuyến trên, nơi mà cả bên đưa và bên nhận không ai biết ai. Còn đối với các bệnh viện tuyến dưới hay bệnh viện nhỏ tại địa phương, cái phong bì chưa đủ sức “gây mưa, gọi gió” vì cả bên đưa, bên nhận ngại gặp nhau hàng ngày. Đối với các bệnh viện tư nhân thì càng không thể, vì nhận phong bì đồng nghĩa với mất việc làm. Lý giải cho việc nhận phong bì, người ta đưa ra nhiều lý do. Nào là tại lương cán bộ, nhân viên ngành y tế thấp, tại thu nhập của người trong ngành không đủ nuôi sống gia đình, tại không nỡ từ chối tấm lòng của người đưa phong bì và cả tại y đức xuống cấp... Lý do để nhận phong bì tuy nhiều, nhưng suy cho cùng tất cả cũng chỉ tại lòng tham.

Đạo lý của dân tộc ta là mang ơn phải biết trả ơn, nhất là khi cái ơn ấy liên quan đến tính mạng người thân của chính mình thì chuyện trả ơn là lẽ đương nhiên. Vì vậy, có trách là trách người nhận, không thể trách người đưa phong bì. Biết đưa phong bì là tiếp tay cho cái xấu, nhưng có ở trong hoàn cảnh người thân đang “thập tử nhất sinh” cần được cứu, mới thông cảm với tâm trạng của người đưa phong bì. Đưa để được người khác nhanh tay cứu giúp mạng sống người mình yêu thương; đưa để người thân được đối xử nhẹ nhàng, được chiếu cố dịch vụ tốt nhất; đôi khi đưa chỉ để tự trấn an bản thân mình đã làm tất cả những gì cần làm cho người thân... Từ chỗ trả ơn, cái phong bì dần biến tướng sang một hình thái mới theo kiểu vòi vĩnh, “tiền trao cháo múc”, không còn mang ý nghĩa tốt đẹp của đạo lý dân tộc.

Chính vì phong bì đã trở thành “thông lệ” ở nhiều bệnh viện, trong khi ngành y tế chưa có chủ trương áp dụng hình thức xử phạt với cán bộ, nhân viên trong ngành nhận phong bì, nên không ít người đang hoài nghi về tính khả thi của cuộc vận động “nói không với phong bì” do công đoàn ngành y tế phát động. Người ta nghi ngờ là vì lâu nay, lãnh đạo nhiều bệnh viện cũng đã nhận ra hậu quả ghê gớm do cái phong bì gây ra mà vận động hoặc ra lệnh cấm cán bộ, nhân viên trong đơn vị nhận phong bì, nhưng vẫn không thành công!

Để cuộc vận động “nói không với phong bì” đạt kết quả, thiết nghĩ bên cạnh việc vận động của tổ chức công đoàn, lãnh đạo ngành y tế cần sớm vào cuộc bằng các biện pháp chế tài xử phạt. Song song đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân ý thức được rằng, đưa phong bì là việc làm xấu, cho dù có phong bì hay không thì các bệnh nhân đều được đối xử như nhau một khi đến bệnh viện. Có như vậy mới dẹp được vấn nạn phong bì tồn tại dai dẳng trong ngành y tế lâu nay.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên