Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người: Cách tiếp cận tối ưu

Cập nhật: 07-11-2023 | 16:09:53

Toàn cảnh Diễn đàn.

Ngày 7/11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Diễn đàn Cấp cao Thường niên Đối tác "Một sức khỏe" Phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam là một trong những nước đi đầu, áp dụng phương pháp tiếp cận "Một sức khỏe" từ năm 2003 khi cả thế giới chứng kiến đại dịch SARS và cúm gia cầm.

Từ đó đến nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia tiêu biểu trong "Một sức khỏe", thực hiện những cam kết trong Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu, khẳng định sự quan tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Khi đại dịch COVID-19 còn chưa hoàn toàn qua đi, ngày càng nhiều ý kiến lo ngại rằng các đợt bùng phát dịch bệnh sẽ xảy ra nhiều hơn, khi virus có thể lây từ động vật sang người, sẽ dẫn tới một đại dịch khác.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khi đại dịch xảy ra ở bất kỳ đâu, việc huy động phối hợp đa ngành, hợp tác đa phương là kim chỉ nam cho phòng chống dịch bệnh. "Một sức khỏe" là phương pháp tiếp cận tối ưu để đảm bảo an toàn cho hành tinh và sức khỏe cho cộng đồng.

Nếu giai đoạn 2016-2020 có 50 dự án "Một sức khỏe" thì tới nay đã có gần 100 chương trình, dự án "Một sức khỏe".

Năm nhóm kỹ thuật được thành lập, gồm: Phòng chống đại dịch; An toàn thực phẩm; Kháng kháng sinh; Động vật đồng hành; Từ nghiên cứu tới chính sách.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, giao thương gia tăng cùng với sự biến đổi khí hậu và đô thị hóa mạnh mẽ đã làm tăng sự tương tác giữa con người-động vật-hệ sinh thái. Điều này làm biến đổi các tác nhân gây bệnh cũ và xuất hiện các tác nhân mới có nguy cơ đe dọa đến sức khỏe con người.

Để ứng phó với những thách thức to lớn này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng rất cần sự hợp lực của toàn xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Ngành y tế sẽ tham gia tích cực, thúc đẩy và triển khai một cách hiệu quả hơn nữa các hoạt động phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người và các vấn đề sức khỏe khác.

Bà Aler Grubs, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, chia sẻ Việt Nam tiếp tục là quốc gia ưu tiên của USAID cho Chương trình An ninh Y tế Toàn cầu thông qua cơ chế "Một sức khỏe" phối hợp đa ngành giữa y tế, nông nghiệp và môi trường nhằm góp phần kiểm soát các mối nguy về an ninh y tế toàn cầu.

Các tham luận tại diễn đàn đã đánh giá toàn diện về các kết quả triển khai "Một sức khỏe" trên các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp và môi trường, sự điều phối "Một sức khỏe" trong năm 2023.

Các tham luận chỉ rõ những hạn chế và kiến nghị giải pháp nhằm tăng cường phối hợp đa ngành thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Kế hoạch Quốc gia Đa ngành "Một sức khỏe."

Diễn đàn tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người; tăng cường vai trò đầu mối, chủ trì và điều phối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với Khung đối tác "Một sức khỏe" về phòng chống dịch bệnh từ động vật sang người, đồng thời kêu gọi các bên chủ động, tích cực phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch.

Thời gian tới, các bên đều mong muốn bổ sung, hoàn chỉnh toàn diện các lĩnh vực thuộc "Một sức khỏe" trong mối tương tác giữa con người, thực vật, động vật và hệ môi trường sinh thái, đặc biệt, coi trọng cả sức khỏe thực vật, sức khỏe đất... trong nội dung Khung đối tác để đảm bảo tính toàn diện./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên