Quốc hội thảo luận về chính sách tiền tệ

Cập nhật: 25-05-2012 | 00:00:00

Sáng qua 24-5, Quốc hội (QH) tiến hành thảo luận ở tổ với các nội dung: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2012; quyết toán NSNN năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Thảo luận về tình hình KT-XH, tại tổ TP.HCM, hầu hết các đại biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ. Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, nhưng các đại biểu cũng thể hiện những lo lắng trên nhiều vấn đề KT-XH, nhất là dấu hiệu suy giảm kinh tế.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cần đánh giá việc lạm phát liên tục được kéo xuống là tín hiệu tốt hay không tốt? Ông cho biết đáng lo vì sức mua giảm quá mạnh, phải chăng giải pháp thắt chặt đầu tư công và thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế thiếu máu, sức mua giảm quá mạnh, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Sức mua giảm khiến nhập khẩu giảm, giảm nhập siêu là do ngừng nhập chứ không phải là do các giải pháp điều hành; chắc chắn khi kinh tế phục hồi thì nhập siêu lại tăng. Điều đó cho thấy các giải pháp hiện nay chưa căn cơ.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, năm 2012, dấu hiệu suy giảm kinh tế rất rõ, rất đáng lo ngại. Ông cho biết, trong bối cảnh hiện nay, ông hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết 13 của Chính phủ. Với tình hình sức mua giảm hiện nay, CPI chắc chắn dưới 10%, vì vậy Chính phủ hoàn toàn có điều kiện để nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm giải bài toán tăng trưởng. Vì nếu GDP giảm sút thì số thất nghiệp sẽ rất tăng. Từ nay đến cuối năm, chắc chắn khó đạt mục tiêu tăng GDP 6 - 6,5%, nhưng có thể đạt 5,5 -6%, cần nỗ lực nhiều.

Về các giải pháp tiền tệ (kinh tế hiện nay khát vốn nhưng thiếu máu), Chính phủ cần tăng tín dụng, chấp nhận nợ xấu, vì nếu ngân hàng thủ thế quá kỹ thì càng đẩy doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, đến lúc đó nợ xấu vẫn không giải quyết được mà doanh nghiệp phá sản càng nhiều...

Ngoài thảo luận các giải pháp của Chính phủ, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ việc sử dụng nguồn vốn, tài sản của Nhà nước ở các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước. Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) đề nghị Chính phủ phải giải trình về sử dụng nguồn vốn ở các tập đoàn kinh tế Nhà nước, làm rõ những lãng phí (nhất là đầu tư ở các DNNN) dàn trải, thiếu hiệu quả để bảo đảm việc sử dụng ngân sách, tiền thuế của người dân phải hiệu quả hơn... Buổi chiều cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận ở tổ về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Từ 16 giờ 30, các Đoàn đại biểu QH họp để thảo luận về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, Đoàn đại biểu QH tỉnh Long An.

TS

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên