Sẵn sàng cho chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều

Cập nhật: 07-10-2020 | 09:04:19

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Quyết định số 2155/QĐ-BYT về việc phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) năm 2020-2021 tại 35 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, ngành y tế Bình Dương đã thực hiện nghiêm túc các bước triển khai. Đến thời điểm này, ngành y tế tỉnh đã sẵn sàng mọi điều kiện cần và đủ để chiến dịch diễn ra thành công.


Trẻ 7 tuổi được tiêm vắc xin Td tại điểm tiêm lưu động trường Tiểu học Dĩ An, phường Dĩ An, TP.Dĩ An

Chuẩn bị chu đáo

Để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh uốn ván - bạch hầu cho trẻ em 7 tuổi, ngành y tế tỉnh sẽ tổ chức chiến dịch tiêm mở rộng và chia thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5-10 đến 16-10, tổ chức đồng loạt và cuốn chiếu tại điểm tiêm lưu động ở các trường tiểu học. Đợt 2 diễn ra từ ngày 19- 10 đến 23-10 tại trạm y tế xã, phường, thị trấn cho những trẻ không đi học và tiêm vét cho những trẻ hoãn tiêm ở đợt 1.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2020. Trước đó, các địa phương đã rà soát danh sách trường hợp trẻ 7 tuổi (gồm cả tạm trú và thường trú). Theo đó, trong đợt này, toàn tỉnh có hơn 45.000 trẻ 7 tuổi được tiêm bổ sung vắc xin Td trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2020. Để chiến dịch diễn ra thành công, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức tập huấn triển khai chiến dịch. Tham dự hội nghị tập huấn có gần 50 đại biểu là lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo trung tâm y tế huyện, thị, thành phố, trưởng khoa chuyên trách tiêm chủng mở rộng, cán bộ phòng y tế, phòng giáo dục các địa phương trong tỉnh.

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được triển khai một số nội dung xoay quanh chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td, như: Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiêm bổ sung vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi; hướng dẫn xây dựng kế hoạch, lập kế hoạch điều tra, thống kê đối tượng, dự trù nhu cầu vắc xin, vật tư y tế, bảo quản, sử dụng vắc xin; bảo đảm tiêm chủng an toàn, phòng chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm; hướng dẫn báo cáo kết quả sau chiến dịch… Cũng tại buổi tập huấn, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về những thắc mắc, đề xuất ý kiến bảo đảm độ bao phủ tiêm chủng đạt mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra.

Có mặt tại Trạm Y tế phường Dĩ An, TP.Dĩ An, chúng tôi nhận thấy công tác chuẩn bị cho việc tiêm chủng được triển khai từ rất sớm. Đợt này, địa phương có 2.927 trẻ 7 tuổi được tiêm bổ sung vắc xin Td, trong đó có hơn 1.900 trẻ tạm trú. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng trạm Y tế phường Dĩ An, TP.Dĩ An, cho biết: “Ngay khi có công văn triển khai thực hiện, Trạm Y tế đã tiến hành điều tra, lập danh sách trẻ trong đối tượng tiêm, dự trù nhu cầu vắc xin, chuẩn bị cơ sở vật chất, thông báo và tuyên truyền sâu rộng cho người dân trên địa bàn hiểu, nắm rõ. Nhờ vậy, ý thức của người dân về công tác tiêm chủng được nâng lên. Có rất nhiều phụ huynh là người lao động đã chủ động đến Trạm Y tế đăng ký cho con em mình đi tiêm”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2020. Trước đó, các địa phương đã rà soát danh sách trường hợp trẻ 7 tuổi (gồm cả tạm trú và thường trú). Theo đó, trong đợt này, toàn tỉnh có hơn 45.000 trẻ 7 tuổi được tiêm bổ sung vắc xin Td trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2020.

Để bảo đảm công tác tiêm chủng được an toàn, ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác tiêm chủng. Trạm y tế thực hiện bảo quản vắc xin theo quy định, dặn dò phụ huynh chăm sóc và theo dõi trẻ khi về nhà. Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát để khẳng định công tác tiêm chủng được các trạm y tế chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng mọi điều kiện cần và đủ để cho chiến dịch diễn ra thành công. Để phòng chống dịch bệnh Covid-19, công tác tổ chức chú ý bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các điểm tiêm chủng, như: Đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay… Đây là nội dung quan trọng mà những điểm tổ chức tiêm chủng nghiêm túc thực hiện.

Hãy đưa trẻ 7 tuổi đi tiêm vắc xin Td

Tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng, giúp củng cố miễn dịch của trẻ, chủ động phòng bệnh uốn ván - bạch hầu. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Vắc xin Td được sử dụng trong chiến dịch lần này là vắc xin do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất và được cấp phép, lưu hành tại Việt Nam, lọ 10 liều, dạng dung dịch. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh uốn ván-bạch hầu cần tiêm vắc xin có thành phần uốn ván - bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, 12-23 tháng tiêm mũi 4, 4-7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9-15 tuổi tiêm mũi 6. WHO cũng khuyến cáo các nước nên triển khai vắc xin phối hợp uốn ván - bạch hầu giảm liều thay vì dùng vắc xin bạch hầu đơn giá sẽ giúp phòng hiệu quả đồng thời hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm”.

Nói về đối tượng, phạm vi trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td, bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, phụ trách khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết vắc xin Td là vắc xin được chỉ định để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn. Ở chiến dịch này, đối tượng áp dụng dành cho tất cả học sinh đang học lớp 2, năm học 2020- 2021 và trẻ không đi học đang ở tại địa phương, không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú, có ngày sinh từ 1-1-2013 đến 31- 12-2013. Nguyên tắc thực hiện, mỗi trẻ chỉ tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin Td để ngăn chặn sự quay trở lại của bệnh bạch hầu.

“Tuy nhiên, trong chiến dịch này, 2 trường hợp không được tiêm vắc xin Td là trẻ đã tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td. Trường hợp nữa là trẻđãđược tiêm vắc xin Td tại 30 tỉnh, thành phốnguy cơ cao năm 2019 theo Quyết định số3777/QĐ-BYT của BộY tếvề việc phê duyệt kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin Td năm 2019”, bác sĩ Quách Hoàng Mỹ nói.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên trong 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ tiêm chủng vắc xin DPT-VGB-HIB mũi 3 của trẻ trên địa bàn tỉnh còn thấp. Hơn nữa, Bình Dương là tỉnh đông công nhân lao động, dân cư thường xuyên biến động, nhiều trường hợp đến tiêm ở các cơ sở dịch vụ bên ngoài chưa được thống kê, báo cáo mũi tiêm đầy đủ. Điều này dễ dẫn đến việc trẻ bị bỏ sót mũi tiêm và có thể gây bùng phát dịch bệnh. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa bệnh bạch hầu, uốn ván, tất cả trẻ 7 tuổi trên địa (bao gồm cả trẻ tạm trú và thường trú) sẽ được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin Td và phải đạt từ 90% trở lên. Quá trình tổ chức tiêm phải bảo đảm an toàn, chất lượng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng”.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên