Bài 2: Những chính sách riêng của Bình Dương
Ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ, Bình Dương còn mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo. Từ đó giúp các hộ thoát nghèo về thu nhập và những thiếu hụt về các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” cho các em học sinh nghèo hiếu học
Coi trọng giảm nghèo về thông tin
Tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, ngoài thu nhập, còn có những mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó có 5 dịch vụ chính như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Vấn đề hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thông tin góp phần quan trọng để họ có thêm cơ hội cập nhật thông tin, nắm bắt và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Tiếp cận với các nguồn thông tin, kiến thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội giúp người nghèo học tập, áp dụng các mô hình, phương thức phát triển kinh tế hiệu quả để từng bước vươn lên trong cuộc sống. Xác định tầm quan trọng đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố trong tỉnh rà soát các hộ nghèo thiếu hụt về thông tin để hỗ trợ. Qua rà soát, toàn tỉnh có 1.054 hộ nghèo cần được hỗ trợ. Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang tiến hành khảo sát lại các hộ gia đình để hỗ trợ đúng đối tượng. Dự kiến, trong tháng 9-2019, 100% hộ nghèo thiếu hụt về thông tin sẽ được tặng tivi.
Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thông tin đây là hoạt động thực hiện hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho các hộ nghèo theo Dự án Truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Nghèo thông tin sẽ được tặng tivi để luôn được cập nhật những thông tin mới, học hỏi các mô hình làm ăn phát triển kinh tế gia đình, các hộ nghèo cảm thấy rất vui. Trước sự quan tâm, chăm lo đó, họ quyết tâm lao động sản xuất để không mãi trông chờ vào sự hỗ trợ. Bà Lê Thị Cúc, hộ nghèo ở khu phố Tân Lương, phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên, tâm sự so với trước đây, hiện nay chỉ cần vài triệu đồng đã có thể mua được cái tivi đẹp xem các kênh truyền hình. Tuy nhiên, hộ nghèo như bà thì vài triệu cũng là con số rất lớn. Sắp tới có chiếc tivi bà sẽ coi được nhiều chương trình hay, bổ ích để áp dụng vào sản xuất.
Giúp con em giảm nghèo tri thức
Từ xưa đến nay, vấn đề học tập nâng cao tri thức, kỹ năng luôn được xác định là con đường nhanh nhất để thay đổi cuộc đời, thay đổi tương lai. Xác định tầm quan trọng đó, những hộ nghèo trong tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất để con em được đến trường. Cũng từ sự động viên của các đấng sinh thành, nhiều con, em hộ nghèo đã “vượt vũ môn” thành công, có công việc tốt, mức lương cao, đưa gia đình thoát khỏi cái “danh” hộ nghèo.
Tiếp sức cho con em hộ nghèo đến trường, tỉnh cũng đã chủ trương hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn học sinh sinh viên. Cứ thế, mỗi năm hàng chục tỷ đồng đã được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giải ngân để “chắp cánh” ước mơ chinh phục tri thức của con em hộ khó khăn. Nhiều học sinh, sinh viên đã được thụ hưởng nguồn vốn, mở ra cơ hội trong quá trình lập thân, lập nghiệp, gây dựng tương lai. Tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo xem xét, hỗ trợ miễn giảm học phí cho con hộ nghèo để giúp các hộ nghèo vơi bớt phần nào khó khăn khi cho con đến trường. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã thực hiện miễn, giảm học phí cho 2.685 lượt học sinh, sinh viên là con hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng và hỗ trợ chi phí học tập 7.204 học sinh với tổng kinh phí hơn 6,4 tỷ đồng. Các trường hợp quá khó khăn, nhà trường, những người làm công tác giảm nghèo làm “cầu nối” để các nhà hảo tâm tặng học bổng tiếp sức đến trường.
Giảm nghèo bền vững, Bình Dương còn vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ như cho vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, dạy nghề, giải quyết việc làm. Đặc biệt, Bình Dương không chỉ sử dụng ngân sách chăm lo cho người nghèo mà còn kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội để xây tặng nhà đại đoàn kết, khám chữa bệnh miễn phí, nhân rộng mô hình sinh kế cho hộ nghèo…
Nắm bắt nguyên nhân, giúp thoát nghèo
Theo ông Lê Minh Quốc Cường, để giảm nghèo hiệu quả, cần xác định và hiểu rõ nguyên nhân nghèo của các hộ nghèo, cận nghèo để nắm bắt được nhu cầu, từ đó hướng dẫn cách làm ăn và sử dụng nguồn vốn thiết thực cho người nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, tìm rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo để dần thoát nghèo. Chính vì vậy, hàng năm, Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng với địa phương trong tỉnh tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với các hộ nghèo. Tại đây, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã nêu lên ý kiến, mong muốn để tỉnh có chính sách hỗ trợ một cách thiết thực, gắn với thực tế, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đối thoại còn là cách làm để tìm ra những giải pháp cụ thể để giải quyết vướng mắc, tồn đọng ở cơ sở trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện các nguồn lực giảm nghèo. Ông Lưu Xuân Định (ấp Hòa Hiệp, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) chia sẻ trước đây ông thuộc diện hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Qua đợt tiếp xúc hộ nghèo, ông đề nghị được hỗ trợ xây, sửa nhà. Người thực, việc thực đề nghị đến lãnh đạo các cấp, sau đó gia đình ông được xây tặng căn nhà mới kiên cố, khang trang. Trường hợp khác là bà Phạm Thị Út (khu phố 9, phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát), trong buổi tiếp xúc giữa hộ nghèo và lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh bà kiến nghị hỗ trợ vốn vay để làm ăn. Mong muốn của bà đã được thực hiện ngay sau đó.
Tại huyện Phú Giáo, mỗi năm tổ chức từ 7 - 10 buổi đối thoại giữa lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện với hộ nghèo. Đối thoại đã giúp lãnh đạo, hộ nghèo hiểu nhau hơn để cùng đưa ra cách làm hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Giáo, chia sẻ: “Việc tổ chức đối thoại nhằm tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng, năng lực của người nghèo, cũng như mức độ tiếp cận của người nghèo đối với chính sách, dự án giảm nghèo và hiệu quả đem lại của các chính sách giảm nghèo như: Hỗ trợ nhà ở, vay vốn, sức khỏe... Từ đó, huyện sẽ có những điều chỉnh, đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo bền vững”.
Qua các buổi tiếp xúc cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về công tác giảm nghèo, vận động mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
“Trong giai đoạn 2019-2020, ngoài việc tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ hiện hành, Bình Dương sẽ mở rộng việc thực hiện các chính sách gắn với giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; đổi mới nhận thức, cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách trong công tác giảm nghèo; gắn công tác giảm nghèo với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; tập trung vào các giải pháp phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập cho người nghèo. Đồng thời phải làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo, khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, khơi gợi ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo. Tiếp tục phát huy hiệu quả việc đa dạng hóa các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo”. (Ông LÊ MINH QUỐC CƯỜNG, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH) |
THIÊN LÝ