Sinh vật cảnh mở ra… việc làm

Cập nhật: 04-04-2014 | 00:00:00

   Các hội viên chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc SVC Ảnh: ĐỖ TUÂN

 Qua 5 năm hình thành và phát triển (2008-2013), Hội SVC tỉnh đã định hướng, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, ứng dụng mô hình nông nghiệp đô thị, giúp hội viên (HV) làm ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường. Qua đó, hình thành nhiều vùng nuôi trồng SVC đặc trưng với khoảng 100 ha đất chuyên sản xuất các loại cây cảnh, chim cảnh ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, Thuận An… thu hút 921 HV từ 7/7 tổ chức hội cấp huyện, thị, thành phố; 31 tổ chức hội cấp xã, phường và 7 CLB chuyên ngành. Doanh thu hàng năm trên 50 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Đức, Chủ tịch Hội SVC TP.Thủ Dầu Một, cho biết Hội SVC TP.Thủ Dầu Một mở nhiều lớp nuôi trồng, chăm sóc SVC, mỗi lớp từ 35 đến 50 HV. Hội SVC tỉnh liên kết với trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mở 12 lớp trồng và chăm sóc SVC (370 HV tham dự). Kết quả trên 200 HV tự tạo được việc làm, có thu nhập ổn định. Trên địa bàn có những cơ sở tiêu biểu, hoạt động mang lại hiệu quả cao. Xã An Tây (Bến Cát) là một minh chứng thuyết phục. Ở đây đã hình thành vùng chuyên canh trồng mai 8,2 ha với 14 HV tham gia. Theo tính toán của HV, cứ 1.000m2 đất trồng 700 - 800 gốc mai, tuyển 300 gốc đẹp bán ra cho doanh thu 200 - 300 triệu đồng, trừ chi phí, lợi nhuận mang lại từ 100 - 200 triệu đồng.

Trong quá trình hoạt động, Hội SVC tỉnh đã hỗ trợ HV kiến thức khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hội hoa xuân, tham dự triển lãm… Tuy nhiên, khó khăn của Hội SVC là về kinh phí hoạt động (chủ yếu tự đóng góp); công tác thống kê tình hình cơ sở sản xuất SVC trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện đồng bộ; nuôi trồng dựa vào thời tiết, chưa áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật; đầu ra cho sản phẩm không đều.

Chủ tịch Hội SVC tỉnh Đoàn Minh Chiến cho biết thời gian tới, hội tiếp tục phát huy tinh thần “Dân chủ, đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững”, nâng cao vai trò trách nhiệm của hội; thực hiện hiệu quả chương trình, dự án phát triển nền nông nghiệp chung của tỉnh và kinh tế SVC nói riêng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, nâng cao đời sống HV. Hàng năm, hội phấn đấu mở từ 2 - 4 lớp sơ cấp nghề SVC, 1 - 2 lớp nâng cao tay nghề cho HV nhằm tạo ra những tác phẩm SVC có giá trị kinh tế, nghệ thuật cao.

ĐỖ TUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên