Tại sao bà Susan Rice được cử làm Cố vấn an ninh quốc gia?

Cập nhật: 12-06-2013 | 00:00:00

 Bà Susan Rice. Giới truyền thông đưa tin, bà Susan Rice là bạn thân của vợ chồng Tổng thống Barack Obama - được mời tới dự tiệc mừng ông Barack Obama tái đắc cử.

Vì không cần phải Thượng viện thông qua nên việc đề cử hôm 5/6 của Tổng thống Barack Obama coi như có hiệu lực và thượng tuần tháng 7/2013, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Susan Rice sẽ chính thức thay thế ông Tom Donilon (Thomas Donilon) trở thành Cố vấn an ninh quốc gia thứ 24 của nước Mỹ. Vị trí của bà Susan Rice tại Liên hợp quốc sẽ do bà Samantha Power, Giáo sư Harvard, một nhà nghiên cứu nhân quyền, nguyên cố vấn Nhà Trắng thay thế.

Từ khó khăn của tân Cố vấn an ninh quốc gia

Việc bà Susan Rice được chỉ định thay thế ông Tom Donilon làm Cố vấn an ninh quốc gia đang thu hút sự chú ý của dư luận cũng như giới chuyên môn, bởi việc này diễn ra đúng thời điểm Mỹ - Trung vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh (7 và 8/6 tại khu nghỉ dưỡng Sunnylands ven Thái Bình Dương ở Palm Springs, California, giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Tập Cận Bình). Hơn nữa, an ninh nước Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức lớn và Mỹ sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kể từ tháng 7.

Phát biểu tại lễ bổ nhiệm hôm 5/6, Tổng thống Barack Obama khẳng định: Bà Susan Rice là một công chức tài giỏi, một người yêu nước luôn đặt quốc gia lên hàng đầu và nhóm an ninh quốc gia của ông "đặc biệt tận tụy với đất nước".

Trước đó (11/3), tờ Bưu điện Washington từng đưa tin, Tổng thống Barack Obama sẽ chỉ định bà Susan Rice làm Cố vấn an ninh quốc gia. Bởi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (từ tháng 1/2009) luôn nhiệt tình ủng hộ chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama, luôn là người được Washington chỉ định trong các cuộc đàm phán khó khăn với Nga và Trung Quốc về những vấn đề trừng phạt Iran, làm việc với quân nổi dậy Libya và xử lý tình huống đối với vấn đề Syria…

Giới chuyên môn đánh giá cao trình độ chuyên môn của bà Susan Rice sau khi Cố vấn an ninh quốc gia thứ 24 cho ra mắt một cuốn sách (giành giải Pulitzer) về ứng phó của chính sách ngoại giao Mỹ đối với tội diệt chủng.

Là phận nữ nhi, nhưng bà Susan Rice lại nổi tiếng với tính cách mạnh mẽ. Mặc dù làm công tác ngoại giao, nhưng bà Susan Rice lại bị coi là người có tài nhưng thẳng tính và không khéo léo. Được biết, bà Susan Rice từng là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề châu Phi thời Tổng thống Bill Clinton.

Tuy sinh ra ở Ireland, nhưng bà Susan Rice lại thành danh tại Mỹ và từng là một trong những ứng cử viên sáng giá của chiếc ghế Ngoại trưởng khi bà Hillary Clinton nghỉ hưu. Nhưng sau đó, bà Susan Rice buộc phải rút lui vì bị nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa trong quốc hội phản đối xung quanh phát biểu sau vụ tấn công nhằm vào các nhà ngoại giao Mỹ ở Libya hồi tháng 9/2012 khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Christopher Stevens.

Giới chuyên môn cho rằng, bà Susan Rice chỉ phát biểu dựa trên đánh giá sơ bộ do cơ quan tình báo Mỹ cung cấp, nhưng đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc vẫn thừa nhận sai lầm của mình khi bỏ qua phần liên hệ tới trách nhiệm của Al Qaeda.

Tuy nhiên, bà Susan Rice vẫn được nhiều nhà hoạch định chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa ưa thích, cho dù Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc là một trong những thành viên được tin tưởng nhất trong đội hoạch định chính sách ngoại giao của Tổng thống Barack Obama. Mặc dù đã bổ nhiệm ông John Kerry làm Ngoại trưởng, nhưng Tổng thống Barack Obama luôn bảo vệ bà Susan Rice và việc đề cử làm người thay thế ông Tom Donilon là minh chứng rõ nhất cho nhận định này.

Giới truyền thông đưa tin, bà Susan Rice là bạn thân của vợ chồng Tổng thống Barack Obama - được mời tới dự tiệc mừng ông Barack Obama tái đắc cử. Với tư cách là người chịu trách nhiệm giám sát một loạt vấn đề từ chính sách quốc phòng tới ngoại giao, là cố vấn cho Tổng thống, đồng thời là người điều phối thông tin giữa Nhà Trắng, CIA, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo khác nên đây được coi là thách thức không nhỏ đối với bà Susan Rice.

Tới những điều ít biết về chiếc “ghế nóng”

Trước khi bổ nhiệm bà Susan Rice làm Cố vấn an ninh quốc gia thứ 24, Tổng thống Barack Obama từng bổ nhiệm ông James Logan Jones (từ 20/1/2009 đến 8/10/2010) và ông Tom Donilon (từ 8/10/2010 đến tháng 7/2013) đảm trách cương vị này.

Giới chuyên môn cho biết, Tổng thống Barack Obama hy vọng tạo phong cách mới, cũng như thay đổi công việc vốn đã tồn tại trong suốt 60 năm (1953 - 2013) kể từ khi chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia do Tổng thống Dwight D. Eisenhower tạo dựng đến nay.

Tổng thống Dwight D. Eisenhower là người đầu tiên thành lập ra chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia và đã sử dụng tới 4 người (Robert Cutler, Dillon Anderson, Robert Cutler, Gordon Gray). Trường hợp của Tổng thống Lyndon B. Johnson khá đặc biệt bởi ông sử dụng Cố vấn an ninh quốc gia của người tiền nhiệm John F. Kennedy (McGeorge Bundy), sau đó bổ nhiệm người thay thế (Walt W. Rostow) và người thứ 3 (Henry Kissinger) phục vụ tới 3 đời Tổng thống. Tuy là người đầu tiên ngồi vào chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia, nhưng ông Robert Cutler không gây ấn tượng và nổi tiếng bằng “đàn em” Henry Kissinger.

Trong lịch sử thành lập và kể từ khi có chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia đến nay (23/3/1953), chưa ai phá được kỷ lục của Tiến sỹ Henry Kissinger - làm việc cho 3 đời Tổng thống (Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, Gerald Ford). Và cũng chưa có ai thay nhiều Cố vấn an ninh quốc gia như cố Tổng thống Ronald Reagan: 6 người (Richard V. Allen, William P. Clark, Robert C. McFarlane, John M. Poindexter, Frank C. Carlucci, Colin L. Powell).

Rất ít Tổng thống làm việc với một Cố vấn an ninh quốc gia như cặp Jimmy Carter - Zbigniew Brzezinski (từ 20/1/1977 đến 4/1/1982) và George H. W. Bush - Brent Scowcroft (từ 20/1/1989 đến 20/1/1993). Tổng thống John F. Kennedy cũng chỉ có một Cố vấn an ninh quốc gia (McGeorge Bundy), nhưng đó là do ông bị ám sát, chưa làm hết nhiệm kỳ.

Trong 60 năm tồn tại (1953 - 2013), chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia đã thay tới 24 người và những ai giữ cương vị này đều đã tạo ra điểm riêng của mình.

Thông thường, ứng cử viên được cất nhắc vào chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia là “Phó tướng” của người tiền nhiệm. Trường hợp của Cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley là điển hình nhất. Bởi trong lịch sử nước Mỹ, chưa có một phụ nữ da đen nào đảm trách chức Cố vấn an ninh quốc gia, do đó khi bà Condoleezza Rice an tọa trên cương vị này, nhiều người đã coi bà là người phụ nữ quyền lực nhất từ trước đến nay.

Giới chuyên môn cho rằng, chiếc ghế Cố vấn an ninh quốc gia là phần thưởng xứng đáng mà Tổng thống Bush dành cho Stephen Hadley sau một loạt thăng trầm ông phải trải qua - đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ Watergate và Iraqgate. Nhờ đó, ông Bush và bà Condoleezza Rice đều thoát khỏi những chỉ trích của dư luận, phe đối lập, cũng như sự thẩm vấn của Ủy ban điều tra 11/9.

Rất hiếm Cố vấn an ninh quốc gia trở thành Ngoại trưởng như trường hợp của ông Colin L. Powell và bà Condoleezza Rice.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên