Tăng cường công tác phòng bệnh dại

Cập nhật: 25-09-2013 | 00:00:00

 Bệnh dại (BD) do virus gây ra, chủ yếu là do chó, mèo cắn, virus truyền cho người qua vết cắn hoặc do liếm lên vết thương hở làm lây truyền bệnh. Nguy hiểm nhất, BD không có thuốc điều trị do vậy 100% trường hợp phát bệnh đều tử vong nếu không tiêm ngừa dự phòng.  

Không nên lơ là chủ quan, khi bị chó, mèo cắn cần phải tiêm ngừa bệnh dại

Không lơ là, chủ quan

Trước năm 2006, hàng năm trên cả nước có từ 300.000 - 400.000 ca phải tiêm vắc-xin dại do bị súc vật cắn, chủ yếu là chó và có khoảng 500 người chết do BD mỗi năm. Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương vài năm gần đây không ghi nhận trường hợp tử vong do nhiễm virus dại, tuy nhiên virus dại vẫn lưu hành và nhiều khả năng lây nhiễm cho người bị súc vật cắn. Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong năm 2012 đã có hơn 12.100 trường hợp bị súc vật cắn phải tiêm ngừa và trong 7 tháng đầu năm 2013 đã có hơn 6.500 trường hợp bị súc vật cắn phải tiêm ngừa BD. Theo đánh giá của ngành y tế, nguyên nhân khiến các trường hợp tử vong do BD vẫn còn liên tục xảy ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương là công tác phòng, chống BD còn yếu kém do vẫn còn tồn tại các nguyên nhân như: tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng vắc-xin dại còn đạt thấp, không bảo đảm miễn dịch quần thể; công tác quản lý chó, mèo nuôi, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ chó chưa thực hiện được; một bộ phận không nhỏ người chăn nuôi chó, nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mối nguy hại của BD và nhất là tâm lý chủ quan, lơ là, không tự giác thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó mèo.

Thạc sĩ Võ Bá Lâm, Cán bộ phụ trách Chương trình phòng chống BD của tỉnh cho biết đến năm 2014 sẽ tiến tới thực hiện việc đăng ký, cấp sổ theo dõi đàn chó, mèo nuôi, trước mắt tập trung ở các khu dân cư nội thị sau đó triển khai rộng ra các địa phương vùng sâu, vùng xa. Chủ vật nuôi cần khai báo việc nuôi chó cho chính quyền địa phương, chấp hành quy định tiêm phòng BD định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y. Các chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi động vật nuôi tại gia đình, khi phát hiện chó nuôi có triệu chứng bệnh thì phải nhốt giữ cẩn thận, báo cho cơ quan thú y kiểm tra. Việc người dân chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi và đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh khi bị súc vật cắn được xem là những biện pháp hữu hiệu giúp phòng bệnh và tránh tử vong do BD.

Nâng tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo

Theo số liệu thống kê được từ các Trạm Thú y huyện, thị hiện tổng đàn chó mèo của tỉnh khoảng 85.000 con, trong đó tỷ lệ tiêm ngừa BD chỉ mới đạt khoảng 30%. Mặt khác, việc thiếu thông tin cũng như tâm lý chủ quan lơ là của người dân là một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác phòng chống BD. Chính vì vậy, trong năm 2012 Chi cục Thú y tỉnh đã tổ chức 24 lớp tập huấn ở 7/7 huyện, thị, thành phố với hơn 1.000 người tham dự, nội dung là tuyên truyền về phòng chống BD trên động vật và người cho cán bộ ban ngành, đoàn thể và người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa.

Thạc sĩ Võ Bá Lâm cho biết thêm, kế hoạch năm 2014 về phòng chống BD sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng hơn nữa và đưa chương trình quản lý chó nuôi vào thực hiện, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 đạt tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó khoảng 70%. Trước mắt là khống chế bệnh, chủ yếu tập trung vào chó mèo bằng biện pháp tiêm phòng liên tục để loại BD khỏi đàn chó, mèo nuôi. Kết quả cho thấy nếu chó, mèo đã được tiêm phòng thì hiệu quả phòng bệnh rất cao.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=231
Quay lên trên