Nhằm thay đổi nhận thức và nâng cao nếp sống của TNCN khi tham gia giao thông, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Trung tâm Hỗ trợ TNCN&LĐT đã mời những diễn giả nổi tiếng về nói chuyện, chia sẻ cùng TNCN, cán bộ công đoàn cơ sở tại các đơn vị, khu công nghiệp nhằm chia sẻ những băn khoăn thắc mắc về văn hóa giao thông, nhận thức của bản thân họ khi tham gia giao thông. Chị Phạm Thị Kim Huyền chia sẻ cùng GS-TS Vũ Gia Hiền và mọi người trong chương trình “Công nhân với văn hóa giao thông”
Hiện tại, có 2.170 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh với gần 800.000 công nhân và lao động trẻ trên cả nước về lao động và sinh sống. Ngày ngày, mọi người đều tham gia giao thông nhưng không phải ai cũng hiểu hết về luật giao thông. Chị Phạm Thị Kim Huyền (43 tuổi, làm việc tại Công ty Kondo Textiles Viet Nam tại thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát) chia sẻ những điều khó hiểu trong một bộ phận thanh niên: “Tôi thấy nhiều người có bằng này bằng kia nhưng vẫn vi phạm luật giao thông. Còn nhiều người, do chưa học luật hoặc chưa đi thi để lấy bằng về giao thông nhưng lại chấp hành nghiêm chỉnh luật, luôn cố gắng bảo đảm an toàn giao thông cho người khác. Vậy, họ là những người như thế nào và có biện pháp nào giúp họ hiểu về an toàn giao thông không?”.
Chị Lê Thị Bảo Trâm (nhân viên Công ty Sunghin A tại Bến Cát): “Những chương trình nói chuyện như thế này rất bổ ích, qua đó, chúng tôi hiểu nhiều hơn về tâm lý con người. Nó không chỉ giúp nhận thức đúng đắn về văn hóa khi tham gia giao thông mà còn cho chúng tôi có thêm những kỹ năng trong giao tiếp, ứng xử với mọi người trong xã hội”.
Chia sẻ với những băn khoăn của chị Huyền, tại buổi nói chuyện với đông đảo cán bộ công đoàn các khu công nghiệp huyện Bến Cát vừa qua chuyên gia tâm lý, GS-TS Vũ Gia Hiền cho biết: “Nhiều khi mình chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, cái lợi của bản thân mà quên đi cái bất lợi, cái nguy hiểm cho chính bản thân mình và cho người khác. Nhanh chậm một vài phút thì có thể giải quyết được việc trước mắt nhưng cái hành vi đó sẽ ăn vào cơ thể và đôi khi nó lại tạo cho bản thân một thói quen xấu. Không ít người có suy nghĩ “sống chết đã có số” nhưng trong cuộc sống, không có số nào cả. Tất cả đều ở thói quen mà ra. Nói một lần với họ không được thì nói hai lần, anh chị nên nhớ “mưa dầm thấm lâu”, chỉ có kiên trì truyền bá thì mới có khả năng thay đổi những thói quen xấu của mỗi người”.
Anh Đỗ Văn Phùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ TNCN&LĐT cho biết, mục đích chính của chương trình là giúp cho người lao động, TNCN trên địa bàn tỉnh có những ứng xử tốt hơn khi tham gia giao thông, góp phần nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông và mong muốn giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến TNCN, đặc biệt là các vụ tai nạn có nguyên nhân từ rượu, bia, không sử dụng mũ bảo hiểm đúng quy định.
C.THANH - H.YẾN