Thích ứng an toàn, bảo đảm cung ứng hàng hóa đầy đủ

Cập nhật: 11-12-2021 | 08:57:56

Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân và ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn mới, ngành công thương đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa, bình ổn giá cả thị trường và thực hiện công tác an sinh xã hội.

Giá giảm từ 5 - 10%

Theo chỉ đạo của ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, năm 2022 hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mức dự trữ hàng hóa phải bảo đảm cân đối cung cầu trên thị trường của tỉnh, tránh tình trạng khan hiếm, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phải gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiểm soát, giữ vững mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu, giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp (DN) trên nguyên tắc không bị lỗ; bảo đảm giá cả luôn giảm từ 5 - 10% so với giá thị trường theo từng thời điểm.

Bảo đảm cung ứng thịt heo và các sản phẩm tươi sống trong dịp Tết Nguyên đán. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C Bình Dương

Ông Mai Hùng Dũng chỉ đạo các ngành cần phối hợp tổ chức tốt hệ thống phân phối từ tỉnh xuống huyện, thị, thành phố nhằm kích thích tiêu dùng; thông tin, tuyên truyền rộng rãi chương trình bình ổn hàng thiết yếu đến các xã, phường, thị trấn; vận động các DN hoạt động thương mại, DN sản xuất hàng hóa thiết yếu tham gia chương trình bình ổn thị trường bằng hình thức tổ chức bán hàng lưu động hoặc phiên chợ vui đưa hàng Việt về nông thôn; bảo đảm chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống); các DN sản xuất hàng hóa, cung ứng và chế biến lương thực, thực phẩm phải được vận hành liên tục, ổn định.

Lãnh đạo Sở Công thương hiện đang tập trung làm việc với các DN, địa phương về kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu và thực hiện bình ổn giá. Trong đó, tập trung cho giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ ngày 1-12- 2021 đến 1-3-2022), sau đó tiếp tục triển khai trong các tháng còn lại của năm 2022.

Chuẩn bị đủ nguồn hàng

Riêng mặt hàng xăng dầu, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho 2 DN xăng dầu là Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ - CTCP và Công ty Xăng dầu Sông Bé TNHH MTV đảm nhận cung ứng đầy đủ cho toàn bộ hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh với số lượng dự kiến tăng thêm từ 10 - 12% so với cùng kỳ. Đối với thuốc trị bệnh cho người và mặt hàng phòng, chống dịch bệnh (khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch, sinh phẩm test nhanh…), lãnh đạo Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo nhà thuốc trên địa bàn các huyện, thị, thành phố thực hiện bình ổn giá cả; triển khai đến các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn với giá bán lẻ do ngành y tế quy định, bảo đảm đủ số lượng phục vụ tại các bệnh viện và dân cư cộng đồng.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết đang tập trung phòng, chống dịch tả heo châu Phi, không để bùng phát trở lại; hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Đối với hộ, trang trại chăn nuôi có heo bị dịch bệnh, tiêu hủy, khuyến khích không tái đàn mà chuyển qua nuôi gia cầm, gia súc khác như bò, dê…

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở chỉ đạo các siêu thị và Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Bình Dương, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) và Công ty TNHH Feddy tham gia thực hiện bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo trên địa bàn tỉnh, cam kết bảo đảm số lượng và thực hiện bán theo đúng giá bình ổn đã đăng ký (thấp hơn giá thị trường 5 - 10%). Đồng thời, sở vận động các DN chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn (như thịt kho tàu, chân giò muối…) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân, thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.

Ngành công thương chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường của các hộ tiểu thương, bổ sung các nguồn hàng thiết yếu để phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; triển khai kế hoạch sắp xếp trật tự kinh doanh cho các hộ cố định trong chợ và bố trí sắp xếp thêm các điểm kinh doanh bên ngoài chợ để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhất là trong những ngày cận tết.

 Theo kế hoạch cung ứng hàng hóa bình ổn năm 2022, tổng giá trị hàng hóa dự trữ khoảng 5.671 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh và khẩu trang, thiết bị y tế phòng, chống dịch, sinh phẩm test nhanh…). Trong đó, giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 khoảng 2.077 tỷ đồng.

TIỂU MY - CÔNG THƯƠNG

Chia sẻ bài viết
Tags
hàng hóa

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên