Thông tư 04 mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành quy định: kể từ 1-6, để sử dụng sim trả trước, chủ thuê bao phải đến điểm đăng ký thông tin để được cung cấp đầu số thuê bao, xuất trình CMND hoặc hộ chiếu. Tuy nhiên, hiện nay tại Bình Dương sim đã kích hoạt vẫn được bày bán tràn lan.
Thông tư 04 cũng nêu rõ rằng sau 72 giờ kể từ khi hoàn thành đăng ký thông tin thuê bao, nếu chủ thuê bao không kích hoạt sử dụng dịch vụ thì thông tin đăng ký sẽ bị hủy. Những quy định mới trong việc quy định quản lý sim trả trước được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng sim rác tràn lan mà báo Bình Dương đã có đề cập trong thời gian gần đây, góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng kho số thuê bao di động và tăng cường độ chính xác, tin cậy của thông tin thuê bao.
Sim trả trước vẫn được bày bán tràn lan bất chấp Thông tư 04 đã có hiệu lực từ 1-6 (ảnh minh họa)
Dẫu vậy, dù đã hơn nửa tháng trôi qua nhưng có vẻ như Thông tư 04 vẫn chưa được phát huy tác dụng. Đến một cửa hàng bán sim di động trên đường Lê Hồng Phong ngỏ ý mua một chiếc sim trả trước, chúng tôi chỉ phải trả số tiền 60.000 đồng. Sim sau khi giao dịch xong có thể dùng ngay, lại còn được khuyến mại tài khoản 160.000 đồng. Điều này là khá bất ngờ vì chúng tôi không hề phải cung cấp một thông tin nào về bản thân cho người bán. Chị Nguyễn Thị Ng., chủ cửa hàng cho biết: “Đây là số sim chúng tôi có được từ trước ngày 1-6. Cận ngày Thông tư 04 có hiệu lực, các cửa hàng đều cố gắng mua hàng trăm sim “trữ” trước vì biết nhu cầu mua sim đã kích hoạt của khách hàng là khá lớn”.
Cũng theo chị Ng. hầu như cửa hàng nào cũng có sự chuẩn bị từ trước khi thông tư ra đời. Có nơi còn “ôm” hàng ngàn sim đã được kích hoạt để phân phối lại cho các cửa hàng nhỏ hơn. Sau ngày 1-6, sim đã kích hoạt tăng giá khoảng 15 - 20%. Cụ thể, trước kia giá mỗi chiếc sim điện thoại chỉ dao động khoảng 40.000 - 45.000 đồng thì nay giá sim đã lên đến trên dưới 60.000 đồng. Như vậy, Thông tư 04 ra đời còn là cơ hội tăng thu nhập không thể bỏ qua đối với các chủ đại lý.
“Đối với các chủ đại lý có sim đa năng thì tiện lợi vô cùng, có thể kích hoạt hàng ngàn sim nếu khách có nhu cầu. Tiện lợi vô cùng”, anh H. kinh doanh điện thoại di động trên đường 30-4 cho chúng tôi biết. Năm 2008, VinaPhone là doanh nghiệp tiên phong trong việc sử dụng sim đa năng để quản lý thuê bao trả trước tại các điểm chấp nhận đăng ký của VinaPhone trên toàn quốc. Với sim đa năng này, chủ nhân của hàng chục ngàn điểm chấp nhận đăng ký trực tiếp của VinaPhone có thể dễ dàng thao thác cập nhật thông tin khách hàng vào hệ thống mà không cần phải ghi nhớ các mẫu câu lệnh chuẩn. Sau đó, thị trường di động Việt Nam đã chứng kiến sự “lên ngôi” của sim đa năng và hầu hết các mạng di động lớn đều tung ra loại sim đa năng. Tuy nhiên, các đại lý đã dùng sim đa năng để đăng ký và kích hoạt hàng loạt sim rồi tung ra bán cho khách hàng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc “quản” thuê bao trả trước. Dù Thông tư 04 cũng đã nghiêm cấm hình thức cung cấp sim kiểu này nhưng các nhà mạng dường như vẫn thờ ơ với quy định chung và chưa có biện pháp “trảm” sim đa năng. Điều này không chỉ là trái với quy định của Thông tư 04 mà còn làm cho sim rác tiếp tục “hồn nhiên” trôi nổi trên thị trường.
Lạ lùng ở chỗ, Thông tư 04 ra đời và có hiệu lực đã tạo cơ sở và hành lang pháp lý cho Sở Thông tin và Truyền thông kiểm soát và phạt nặng những doanh nghiệp, đại lý vi phạm quy định chung của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo các sở tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện quản lý thuê bao di động trả trước trên phạm vi cả nước. Nhưng dù tình trạng bán sim đã được kích hoạt sẵn công khai tràn lan như trên, vẫn chưa thấy hành động mạnh tay nào từ lực lượng chức năng tại Bình Dương. Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm có kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định tại Thông tư 04. Và các đoàn phải đồng loạt ra quân kiểm tra đại lý và doanh nghiêp một cách nghiêm túc trong một thời gian dài nhất định thì mới mong việc quản lý thuê bao trả trước được thực thi trong thực tế, chứ không phải chỉ nằm trên giấy.
KHÁNH VINH