Thu hút đầu tư ngành hàng công nghệ cao: Bình Dương đang chiếm lợi thế

Cập nhật: 17-06-2013 | 00:00:00

Thêm nhiều nhà máy mới

Tham quan nhà máy Công ty TNHH Kahoku Lighting Solutions Việt Nam, vốn đầu tư Nhật Bản, vừa đi vào hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Đồng An 2, quả thật chúng tôi ấn tượng với công nghệ của nhà máy. Chỉ với 2 triệu USD vốn đầu tư và 15 công nhân nhưng sản phẩm mà công ty làm ra là sử dụng CNC để sản xuất bóng đèn đặc biệt dùng trong thiết bị y tế hay các ngành sản xuất điện tử và ngành hàng không. Cũng đầu tháng 6 này, Công ty TNHH Takako Việt Nam đã đưa vào hoạt động nhà máy chuyên sản xuất pít-tông và máy bơm thủy lực xuất khẩu tại KCN Việt Nam - Singapore 1 (KCN VSIP 1). Nhà máy mới này đi vào hoạt động đã nâng vốn đầu tư của Công ty TNHH Takako Việt Nam tại VSIP 1 lên 40 triệu USD với sản phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới.  

Lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất bóng đèn đặc biệt dùng trong thiết bị y tế tại Công ty TNHH Kahoku Lighting Solutions Việt Nam

Trước đó, trong tháng 5 tại KCN Mỹ Phước 3, Tập đoàn DNP, tập đoàn hàng đầu Nhật Bản với bề dày 130 năm trong lĩnh vực sản xuất máy móc thiết bị ngành in, sản xuất thiết bị điện, thiết bị chính xác… đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất tấm phim tổng hợp dùng cho ngành bao bì đóng gói. Quy mô nhà máy được xây dựng trên diện tích 3 ha với tổng vốn đầu tư 38 triệu USD. Sản phẩm của nhà máy sẽ phục vụ thị trường các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan… và xuất khẩu sang một số nước châu Phi.

Đối với ngành may mặc, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam, mới đây Công ty TNHH KyungBang Việt Nam, thuộc Tập đoàn KyungBang nổi tiếng của Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, đã khánh thành nhà máy chuyên sản xuất sợi dùng cho ngành dệt may tại KCN Bàu Bàng với vốn đầu tư giai đoạn một 40 triệu USD, quy mô 25.920 cọc sợi để sản xuất sợi cotton kỹ thuật cao. Ông Lee Kap Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH KyungBang Việt Nam cho biết, bằng thiết bị hiện đại nhất nhập của Riter Thụy Sĩ và Schlaphost của Đức, nhà máy KyungBang Việt Nam là nhà máy hiện đại nhất Việt Nam và có công suất 550 tấn/tháng, hàng năm nhà máy KyungBang sẽ cung cấp 6.600 tấn sợi cotton chất lượng cao phục vụ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho ngành dệt may tại Việt Nam.

Chuyển dịch đúng hướng

Có thể thấy hiệu quả từ CNC là rất lớn. Cụ thể như Công ty Suntech Vina đi vào hoạt động tại KCN Mỹ Phước 3 vào tháng 2-2013 với lĩnh vực sản xuất và chế tạo gương chiếu hậu cùng bộ phận sưởi gương chiếu hậu ô tô. Có vốn đầu tư 4 triệu USD nhưng ông Kim Gyong Tae, Tổng Giám đốc Công ty Suntech Vina cho biết, hàng năm nhà máy sản xuất đạt khoảng 30 triệu sản phẩm để xuất khẩu sang Nga và các nước châu Âu. Giống như Công ty Suntech Vina, để phục vụ ngành công nghiệp ô tô, trước đó Công ty TNHH DJV (Hàn Quốc) sản xuất sản phẩm màn hình tinh thể lỏng led, phụ tùng ô tô tại KCN Mỹ Phước 2 nhằm cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới cũng rất hiệu quả. Dù công ty có chưa tới 70 công nhân nhưng xuất khẩu hàng năm của DJV trên 12 triệu USD…

Hiệu quả là vậy nhưng để thu hút các dự án thiên về CNC thì cần đáp ứng tốt các yêu cầu mà nhà đầu tư đặt ra. Bên cạnh vấn đề hạ tầng KCN tốt, hạ tầng kết nối giao thông thuận lợi… thì vấn đề quan trọng mà DN quan tâm hàng đầu đó là nguồn nhân lực phục vụ CNC phải đạt yêu cầu. Với vấn đề này Bình Dương đang có nhiều lợi thế, cùng sự chuẩn bị tốt cho nguồn nhân lực. Chính vì vậy mà ông Noboru Matsuda, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Finecs cho biết, trước đây để chuẩn bị cho nhà máy sản xuất các thiết bị con chíp dùng cho máy tính, điện thoại di động, điện tử kỹ thuật số, công ty gặp nhiều thuận lợi trong việc tuyển chọn 32 kỹ sư Việt Nam là cán bộ khung cho nhà máy để gửi đi đào tạo tại Nhật. Hay như Công ty Takako Việt Nam, 10 năm hoạt động tại Bình Dương, công ty đã đưa hơn 500 lao động kỹ thuật cao đi đào tạo tại Nhật Bản nhằm nâng cao chuyên môn.

Hàng loạt các dự án đầu tư vào lĩnh vực CNC và công nghiệp phụ trợ là tín hiệu tốt để xây dựng một nền công nghiệp bền vững. Các ngành này là vô cùng quan trọng, không chỉ tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao mà còn là điều kiện để thu hút đầu tư các ngành nghề khác. Theo đánh giá từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, công nghệ kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh trong những năm gần đây. Điều này đã cho thấy, định hướng ưu tiên phát triển các ngành CNC và công nghiệp hỗ trợ đã phát huy hiệu quả. Sở cũng cho rằng, cùng với việc tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, nâng tầm dịch vụ… nhằm phục vụ các nhà đầu tư, tin tưởng rằng thời gian tới lĩnh vực CNC và công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án mới.

PHƯỚC GIANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên