Thu hút đầu tư hiệu quả

Cập nhật: 08-06-2012 | 00:00:00

Năm 2012 đánh dấu tròn một thập niên các khu công nghiệp (KCN) Mỹ Phước đi vào hoạt động. Nhìn lại chặng đường phát triển đó, có thể nói các KCN Mỹ Phước đã và đang phát huy hiệu quả thu hút đầu tư và tạo động lực thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung trao chứng nhận đầu tư cho ông Futoshi Hario, Giám đốc điều hành Tập đoàn DNP

Những con số ấn tượng

Từ chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh, Becamex IDC được giao thực hiện đầu tư xây dựng các KCN Mỹ Phước từ năm 2002. Sau 10 năm đi vào hoạt động, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3, 4 và Bàu Bàng (KCN Mỹ Phước 5) đạt hiệu quả cao trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt của huyện Bến Cát. Đây cũng là các KCN nổi bật trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Becamex IDC, tính đến nay, các KCN Mỹ Phước đã thu hút được 420 dự án của doanh nghiệp nước ngoài đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD. Với kết quả này, các KCN Mỹ Phước chiếm hơn 20% về số lượng dự án và hơn 22% tổng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Bình Dương.

Đặc biệt, các KCN Mỹ Phước được đánh giá đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt các yêu cầu của các công ty, tập đoàn lớn, nên hầu hết các dự án có vốn đầu tư lớn vào Bình Dương đều tập trung vào các KCN Mỹ Phước. Cụ thể là dự án sản xuất vỏ xe ô tô của Tập đoàn Kumho Asiana (Hàn Quốc) tổng vốn đầu tư 360 triệu USD, dự án sản xuất bao bì cao cấp của Tập đoàn SCG Siam Cement (Thái Lan) đầu tư giai đoạn một 140 triệu USD, dự án nhà máy của Công ty Colgate - Palmolive Việt Nam (Hoa Kỳ) có vốn đầu tư 41 triệu USD, dự án Nhà máy sản xuất nước giải khát của Kirin Acecook Việt Nam (Nhật Bản) có vốn 60 triệu USD, dự án Khu đô thị sinh thái Mỹ Phước do SP Setia Berhad (Malaysia) và Becamex IDC hợp tác đầu tư với vốn 620 triệu USD... Hiện các dự án này đã đi vào hoạt động ổn định. Và trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có thêm một số dự án tiếp tục đầu tư vào các KCN Mỹ Phước. Trong đó, dự án có vốn đầu tư lớn nhất là nhà máy sản xuất các loại tấm film ghép tổng hợp dùng trong ngành bao bì đóng gói tại KCN Mỹ Phước 3 của Tập đoàn Dai Nippon Printing (DNP) Nhật Bản với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 35 triệu USD. Dự án đã được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư vào giữa tháng 5 mới đây và dự kiến sẽ hoàn thành và hoạt động vào tháng 4-2013.

Môi trường thuận lợi

Điểm nổi bật của các KCN Mỹ Phước là hệ thống hạ tầng hiện đại cùng chính sách của chủ đầu tư trong việc thu hút nguồn lực giúp các nhà đầu tư giảm được chi phí đã tạo tiếng lành trong và ngoài nước. Đây là điều lý giải khả năng thu hút đầu tư của Mỹ Phước tăng mạnh trong thời gian qua và vì sao Mỹ Phước trong mắt nhà đầu tư thân thiện đến vậy. Chính vì vậy, theo ông Futoshi Hario, Giám đốc điều hành Tập đoàn DNP, sau thời gian tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, tập đoàn đã chọn KCN Mỹ Phước để triển khai dự án vì nơi đây có môi trường đầu tư tốt, nhất là ưu thế về hạ tầng, quy hoạch, lao động đều phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Lợi thế về giao thông sẽ tạo thuận lợi lớn cho hoạt động phân phối sản phẩm trong nước và xuất khẩu của doanh nghiệp khi nhà máy đi vào hoạt động.

Giống như DNP, ông Kim Jooan, Tổng Giám đốc Công ty KyungBang Hàn Quốc, cho biết sau thời gian tìm hiểu môi trường đầu tư, cuối năm 2011, Công ty KyungBang của Hàn Quốc đã quyết định chọn KCN Bàu Bàng để đầu tư nhà máy sản xuất sợi dành cho ngành dệt may vì nơi đây đáp ứng được các yêu cầu về quy hoạch, hạ tầng cũng như những vấn đề đi kèm khác mà chủ  đầu tư  KCN đáp ứng được.

Thực tế, các KCN Mỹ Phước được xây dựng để trở thành kiểu mẫu với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại và được xem như là nền tảng để phát triển công nghiệp và đô thị cho vùng phía bắc tỉnh Bình Dương. Tại đây, các KCN được kết nối thông qua tuyến giao thông chủ lực rộng lớn là quốc lộ 13 đến thẳng TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, dự án đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Xuyên Á, đường Hồ Chí Minh, đường Vành đai hiện đang được triển khai xây dựng. Hệ thống giao thông này sẽ kết nối liên vùng và trở thành cầu nối để đưa hàng xuất nhập khẩu đến sân bay, cảng biển phía Nam một cách thuận lợi và nhanh chóng; đồng thời giúp nhà đầu tư giảm thời gian, tiết kiệm chi phí vận chuyển một cách đáng kể. Đặc biệt hơn, cạnh các KCN Mỹ Phước được quy hoạch các khu đô thị hiện đại, qua đó đáp ứng nhu cầu lâu dài về định cư, lập nghiệp và cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho KCN để tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

Có thể nói, các KCN Mỹ Phước do Becamex IDC làm chủ đầu tư với mô hình phức hợp là một thành phố công nghiệp không chỉ thu hút các dự án trong ngành sản xuất công nghiệp mà còn thu hút các dự án trong các ngành dịch vụ và đô thị nhằm bảo đảm cho sự phát triển ổn định, lâu dài và bền vững. Qua 10 năm hình thành và phát triển, mô hình KCN Mỹ Phước đang phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây không chỉ cho Bình Dương mà còn là mô hình hiệu quả, có sức lan tỏa và để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho việc quy hoạch hạ tầng KCN làm đòn bẩy phát triển kinh tế.

TRỌNG ÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên