Tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới

Cập nhật: 15-07-2023 | 06:38:27

Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục. Trước thềm năm học mới 2023-2024, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư nâng cấp, sửa chữa trường lớp… phục vụ cho việc dạy và học, đặc biệt là ở các địa phương đang ngày càng “nóng” về vấn đề trường lớp cùng số học sinh (HS) tăng nhiều mỗi năm, như: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một…

 Trường Tiểu học Định Hòa 2 (TP.Thủ Dầu Một) hoàn tất những khâu cuối chuẩn bị đi vào hoạt động

 Số lượng học sinh tăng nhanh

TX.Bến Cát là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp. Do vậy, số lượng người từ các địa phương khác đến đây sinh sống, làm việc gia tăng nhanh, dẫn đến số lượng HS ngày càng tăng. Trong năm học mới 2023-2024, dự kiến số HS trên địa bàn thị xã tăng so với năm học trước khoảng 3.000 em. Vì thế, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, phân bổ giáo viên đang là vấn đề được chính quyền và ngành giáo dục địa phương quan tâm hàng đầu.

Trao đổi với P.V, bà Trần Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND TX.Bến Cát, cho biết hiện các trường trên địa bàn đang tiến hành sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ năm học mới bằng nguồn kinh phí cân đối tại đơn vị. Trước ngày 20-8, các trường sẽ hoàn thành sửa chữa, mua sắm trang thiết bị để kịp thời phục vụ năm học mới. Trong năm 2023, UBND thị xã đã cân đối nguồn kinh phí để tiếp tục mua sắm và sửa chữa các trường học với số tiền khoảng 16 tỷ đồng. UBND thị xã cũng đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã thống nhất với các địa phương điều phối số HS tăng tại các trường có số HS đăng ký tuyển sinh vượt hơn chỉ tiêu đã đăng ký, bảo đảm tất cả con em trên địa bàn đều được tiếp nhận vào các trường.

Cùng với TX.Bến Cát, TP.Dĩ An cũng là địa bàn “nóng” về vấn đề số HS tăng nhanh qua từng năm học. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Dĩ An, năm học mới này toàn thành phố dự kiến tăng gần 2.000 HS các cấp. Để chuẩn bị cho năm học mới, lãnh đạo TP.Dĩ An cùng các ngành, đơn vị đã đi thực tế, thăm nắm tình hình tại các trường trên địa bàn 7 phường. UBND thành phố đã ghi nhận tình hình và chỉ đạo các ngành liên quan, các phường tập trung hỗ trợ các trường khắc phục, xử lý các khó khăn thuộc quản lý của ngành, địa phương. Trong đó, các địa phương ưu tiên bố trí kinh phí tu sửa cơ sở vật chất trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học từ nguồn ngân sách và xã hội hóa phục vụ yêu cầu phát triển giáo dục, phục vụ năm học mới 2023-2024.

Tăng cường đầu tư

Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tỉnh có 732 trường, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Tổng số HS các cấp học từ mầm non đến THPT, GDTX toàn tỉnh dự kiến khoảng hơn 548.000, tăng thêm hơn 37.000 HS so với năm học trước. Việc đầu tư xây dựng các công trình thuộc danh mục thứ tựtại các địa phương sẽ ưu tiên xây dựng các trường học giai đoạn 2021-2025 theo Công văn số5449/UBND-KT của UBND tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có98/175 công trình giáo dục đã cóquyết định phê duyệt chủtrương đầu tư, 92/175 công trình đã có quyết định phê duyệt dự án, 24 công trình đang thi công và 5 công trình hoàn thành gồm 3 trường THCS và 2 trường tiểu học.

Dự kiến đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 19 công trình trường công lập được hoàn thành (xây mới, nâng cấp, cải tạo) với tổng mức đầu tư hơn 2.101 tỷ đồng. Số phòng học tăng thêm ở năm học 2023-2024 là 337 phòng. Để bảo đảm yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GD&ĐT tỉnh hiện đang nỗ lực phối hợp với các đơn vị, trường học mua sắm thiết bị dạy học các khối lớp theo lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục, bởi đây là cơ sở quan trọng góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng để xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong tương lai. Các địa phương cần tiếp tục rà soát, nắm bắt chặt chẽ tình hình trẻ em trên địa bàn để vận động các em đi học. Trước mắt, Sở GD&ĐT cần thực hiện ngay chương trình “Tiếp sức đến trường” nhằm tạo niềm vui, động lực cho HS trên địa bàn trước thềm năm học mới, dứt khoát không để bất kỳ trẻ em khó khăn nào không được đến trường. Về một số vấn đề còn khó khăn như thiếu giáo viên, cần trang bị mới đồ dùng dạy học, bàn ghế…, các sở, ngành, địa phương tiếp tục chủ động phối hợp để tháo gỡ trong thời gian tới.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, tin rằng trong năm học mới 2023-2024, ngành GD&ĐT, chính quyền các địa phương và mỗi đơn vị trường học sẽ nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn. Việc sử dụng, lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn, cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học sẽ đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT tỉnh nhà trong giai đoạn tới.

 Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT tỉnh có 732 trường, trung tâm GDTX. Tổng số HS các cấp hc từ mầm non đến THPT, GDTX toàn tỉnh dự kiến khoảng hơn 548.000, tăng thêm hơn 37.000 HS so với năm học trước. Dự kiến đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 19 công trình trường công lập được hoàn thành (xây mới, nâng cấp, cải tạo) với tổng mức đầu tư hơn 2.101 tỷ đồng. Số phòng hc tăng thêm ở năm hc 2023-2024 là 337 phòng.

 HỒNG PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X