Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một: Thế hệ trẻ hôm nay nối mạch tinh thần Điện Biên Phủ của 60 năm trước

Cập nhật: 05-05-2014 | 00:00:00

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 - 7.5.2014), trường Đại học (ĐH) Thủ Dầu Một, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh), Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử”. Trường ĐH Thủ Dầu Một được chọn làm nơi diễn ra cuộc hội thảo khoa học nhiều ý nghĩa này. Trước thềm hội thảo, Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một về ý nghĩa thiết thực của hội thảo này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp - Thưa TS Nguyễn Văn Hiệp, trong các ngày 5, 6 và 7-5, ĐH Thủ Dầu Một sẽ là đơn vị đồng đăng cai tổ chức hội thảo quốc gia “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử”. Xin TS cho biết một vài nét về hội thảo lần này?

- Hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử” là một hoạt động thiết thực kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ. Hội thảo lần này một lần nữa để khẳng định tầm vóc to lớn, giá trị lịch sử trọng đại của chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là dịp để nhìn lại những vấn đề lịch sử của chiến tranh Việt - Pháp với giai đoạn đỉnh cao là giai đoạn 1953-1954, cũng như sự tác động mạnh mẽ đến tương quan và mối quan hệ quốc tế, khu vực và thế giới trong khoảng một thập niên đầu tiên kể từ sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần II (1945-1954). Hội thảo cũng đánh giá những ảnh hưởng, tác động và âm vang của Điện Biên Phủ - Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam và từ đó (1954) đến nay đối với đất nước, khu vực, phong trào giải phóng dân tộc, vấn đề chiến tranh và hòa bình, vấn đề toàn cầu…

Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu giảng dạy lịch sử, đại biểu các cơ quan, ban ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong nước. Đây là một hội thảo khoa học có tính chất toàn quốc và hy vọng sẽ thu hút đông đảo nhất ý kiến các nhà khoa học về các đề tài mà Ban tổ chức nêu ra nhân kỷ niệm tròn 60 năm chiến thắng lịch sử này.

- Thưa TS, hội thảo lần này có những điểm gì mới và khác biệt hơn so với những hội thảo đã được tổ chức nhiều lần trước đây?

- Thông qua hội thảo lần này, chúng ta sẽ có những cái nhìn đa chiều hơn về chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ. Chuỗi nhiều chủ đề trong các khía cạnh lịch sử quân sự, lịch sử chính trị, lịch sử văn hóa của hội thảo lần này bao gồm 4 nhóm đề tài chính: Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; Quan hệ quốc tế và sự ủng hộ đối với Việt Nam trong chiến tranh; Nam bộ với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Giá trị lịch sử và ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài ra, tại trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ tổ chức trưng bày, triển lãm tài liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Thông qua những tham luận đã gửi về cho Ban tổ chức hội thảo, chúng tôi cũng đã tiếp cận được những kết quả nghiên cứu mới mẻ của các nhà khoa học về chiến thắng Điện Biên Phủ. Đó là những nghiên cứu chuyên sâu liên quan đến các vấn đề về địa lý quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sự nhìn nhận, đánh giá từ những người bên kia chiến tuyến, những tù binh, hàng binh Pháp trong chiến trường Điện Biên Phủ, hay các vấn đề nghệ thuật đánh vây lấn, nghệ thuật thế thắng lực, chiến thuật sử dụng chiến hào… Và một nét riêng nhất của hội thảo lần này là đã có những cách nhìn nhận rất riêng, rất Nam bộ về Điện Biên Phủ như một cách mà nhân dân Nam bộ đã “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 60 năm. Bên cạnh đó, một số báo cáo đi sâu vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ, gợi mở các vấn đề về lý luận và thực tiễn cùng các giải pháp khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Và không dừng lại ở đó, tôi tin rằng từ hội thảo này sẽ mở ra những hướng nghiên cứu mới, những chương trình mới để góp phần phát triển hoạt động sử học của đất nước, cũng như tạo thêm nhiều cơ hội hợp tác nghiên cứu, hợp tác đào tạo giữa các cơ quan khoa học, các trường ĐH và các địa phương.

Họp báo giới thiệu hội thảo quốc gia“Chiến thắng Điện Biên Phủ - Những vấn đề lịch sử” tại trường Đại học Thủ Dầu Một, chiều 28-4

- Hội thảo được tổ chức tại Bình Dương lần này sẽ là cơ hội để thế hệ trẻ được tiếp cận trực tiếp các nguồn tư liệu đa dạng về chiến công oanh liệt của Chiến dịch Điện Biên Phủ. TS có thể cho biết ý nghĩa thiết thực về mặt nhận thức của thế hệ trẻ thông qua những hoạt động tại hội thảo lần này?

- Hội thảo là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang, qua đó góp phần giáo dục thế hệ trẻ ghi nhớ công lao và những cống hiến, hy sinh to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã không tiếc máu xương và tuổi trẻ làm nên chiến thắng lẫy lừng, đem lại nền độc lập tự do cho Tổ quốc.

Ngày nay, các bạn trẻ có thể tiếp cận với nhiều nguồn tư liệu mà trước đây không thể có được. Các bạn cũng có nhiều điều kiện khác để nhìn nhận lịch sử với cái nhìn thực tế hơn. Dĩ nhiên các bạn không thể hiểu hết được lịch sử như nó từng diễn ra, nhưng ngày càng biết thêm một cách sâu sắc hơn nhờ các nguồn tư liệu đa dạng. Tôi cho rằng, đây là dịp để các bạn trẻ đào sâu nghiên cứu lịch sử, để am hiểu về lịch sử nói chung và về chiến dịch Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ hoàn thiện và đầy đủ hơn.

Đất nước ta đang đứng trước thời cơ và vận hội mới, đồng thời phải đương đầu với những nguy cơ và thách thức mới. Thế hệ trẻ sau 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, điều thiết thực nhất là chúng ta hãy phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong cuộc chiến đấu mới - cuộc chiến đấu trong thời kỳ hòa bình. Tôi muốn tinh thần Điện Biên Phủ luôn luôn được khơi dậy trong các bạn. Tôi mong rằng, thông qua hội thảo lần này lịch sử hào hùng của dân tộc một lần nữa được tái hiện. Các bạn trẻ thấy được vai trò, trách nhiệm của người trẻ hôm nay để viết tiếp bản hùng ca chiến thắng Điện Biên năm nào. Và niềm tự hào về quá khứ phải đi liền với mục tiêu cuộc đời và phải phấn đấu để đạt đến. Trách nhiệm đặt trên vai thế hệ trẻ hôm nay còn rất nặng, phải làm sao để tạo ra những chiến thắng Điện Biên Phủ của thời đại hôm nay.

- TS vừa đề cập đến vấn đề khơi dậy trong lòng thế hệ trẻ tinh thần Điện Biên Phủ. Vậy cụ thể trong thời bình thì thế hệ trẻ phải phát huy những tinh thần gì từ chiến thắng Điện Biên Phủ, thưa TS?

- Tuổi trẻ Việt Nam hôm nay với một lực lượng to lớn, là những con người có phẩm chất, nhân cách tốt, có trình độ học vấn cao, có thể chất, có ý thức công dân, bản lĩnh tự chủ, năng động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, luôn mong muốn được cống hiến thật nhiều công sức và trí tuệ cho đất nước. Những phẩm chất này sẽ làm tăng giá trị của nguồn lực trẻ, bảo đảm cho thế hệ trẻ đủ sức thực hiện sứ mệnh của mình từ tinh thần của chiến thắng Điện Biên Phủ. Các bạn phải luôn đi đầu trong các phong trào tuổi trẻ, nối mạch tinh thần Điện Biên Phủ 60 năm trước, mỗi bạn trẻ phải hiểu lịch sử để giữ được bản sắc dân tộc mình trong thế giới hòa nhập để không bị hòa tan hôm nay.

Thứ nhất, các bạn phải luôn thắp sáng trong mình ngọn lửa yêu nước. Lòng yêu nước, sự giác ngộ lý tưởng, ý chí tự lực, tự cường không cam chịu đói nghèo, lạc hậu là những nhân tố tạo nên bản lĩnh chính trị vững vàng cho thanh niên, giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy lùi cám dỗ vật chất cùng những hành động phá hoại chia rẽ thanh niên của các thế lực thù địch.

Thứ hai, tuổi trẻ phải đi đầu trong việc nâng cao năng lực, trí tuệ và khả năng hoạt động thực tiễn. Tuổi trẻ ngày nay có nhiều thuận lợi để được học tập, nâng cao năng lực, trí tuệ cống hiến nhiều cho xã hội nhưng tuổi trẻ cũng đòi hỏi xã hội tạo điều kiện cho mọi người, đặc biệt là thanh niên thỏa sức trên con đường học tập và đóng góp. Điều quan trọng là mỗi thanh niên phải nỗ lực học tập và rèn luyện để trở thành người có trình độ tri thức ngày càng cao, trình độ tay nghề chuyên môn giỏi, làm chủ được khoa học công nghệ, đóng góp được nhiều sức mình cho đất nước.

Thứ ba, tuổi trẻ phải phát huy vai trò là lực lượng xung kích thực hiện có hiệu quả các phong trào lớn như : “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, mà bước đột phá là phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Mùa hè xanh”… Hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào này, hàng triệu thanh niên đang hăng hái “lên rừng, xuống biển” xung kích thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, đến với vùng sâu, vùng xa, nơi biên cương, hải đảo.

Bên cạnh những cơ hội và vận hội lớn, tuổi trẻ nước ta đang đứng trước những thử thách mới đó là trình độ nhận thức của một số thanh niên chưa theo kịp với xu hướng phát triển của thời đại, các thế lực thù địch đã và đang tìm mọi cách hòng lôi kéo, tha hóa thanh niên, trước hết là tha hóa về đạo đức, lối sống. Vì vậy, các bạn phải thường xuyên trau dồi, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống…

- Xin cảm ơn TS!

TIỂU MI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X