Tiếp tục các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Cập nhật: 02-03-2022 | 08:36:36

Tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022, các đơn vị đã có nhiều ý kiến đề xuất nhằm góp phần nâng cao ý thức của người dân, từng bước kéo giảm tai nạn giao thông.

 Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.Dĩ An xử lý vi phạm đậu đỗ sai quy định. Ảnh: NGUYỄN HẬU

Cần áp dụng hệ thống điều hành giao thông thông minh

Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, tình hình trật tự ATGT trong các đợt cao điểm gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong năm qua được bảo đảm. Đặc biệt trong quý III-2021, khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các sở, ngành, chính quyền địa phương đã tập trung phối hợp tổ chức phân luồng giao thông, tạo thuận lợi cho hoạt động vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng dịch. Các đơn vị chức năng đã huy động tối đa lực lượng tham gia phối hợp tuần tra kiểm soát, điều tiết giao thông, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm soát dịch để bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và nỗ lực của các ngành liên quan, công tác khắc phục ùn tắc giao thông tại các địa phương có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn như TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo thượng tá Nguyễn Anh Kiệt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, để bảo đảm trật tự ATGT gắn với việc xây dựng tỉnh Bình Dương thành đô thị thông minh, cũng như đáp ứng nhiều yêu cầu khác thì Bình Dương cần nhanh chóng đầu tư hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, trật tự ATGT phục vụ xử lý vi phạm. Khi hệ thống này hoạt động hiệu quả sẽ tiến tới hạn chế tối đa lực lượng cảnh sát giao thông có mặt trên các tuyến đường; bảo đảm tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, phòng ngừa, răn đe người vi phạm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, nhất là trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông...

Cũng theo thượng tá Kiệt, việc thành lập trung tâm điều hành giao thông, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông với chức năng giám sát ngày đêm tự động, có ghi hình nhận dạng biển số, tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu dân cư, phương tiện do Cục Cảnh sát giao thông quản lý sẽ góp phần rất lớn cho công tác quản lý trật tự ATGT. Trong hoạt động này, các ngành có liên quan cung cấp điện cho hệ thống đèn tín hiệu giao thông khi ngành điện lực cúp điện để bảo trì sửa chữa hoặc đường dây gặp sự cố. Hạn chế tối đa việc đèn tín hiệu giao thông, nhất là tại các giao lộ trọng điểm không hoạt động khi mất điện. Thực tế đã có nhiều vụ ùn tắc giao thông nghiêm trọng do tín hiệu giao thông không hoạt động.

Cũng theo đánh giá tại hội nghị, việc cấm phương tiện trên các tuyến đường theo khung giờ nhất định đã phát huy hiệu quả, hạn chế ùn tắc giao thông vào các khung giờ cấm, giờ cao điểm. Gần đây lượng xe tải, xe container gia tăng lại xảy ra ùn tắc nghiêm trọng trên các tuyến đường ĐT743, Mỹ Phước - Tân Vạn… Khi chuẩn bị tới giờ cấm thì các phương tiện tranh thủ chạy qua hoặc tới giờ được chạy, các phương tiện tranh thủ xếp hạng di chuyển, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Cần có một cuộc họp để đánh giá hiệu quả việc cấm phương tiện theo giờ, có những điều chỉnh bổ sung phù hợp.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Cùng với công tác trên, các đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT, trong đó tập trung vào công nhân lao động, học sinh, đoàn viên thanh niên... Việc tuyên truyền đến tận các khu dân cư, nhà trọ, khu công nghiệp... với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút được nhiều người dân tham gia. Nói về công tác tuyên truyền trật tự ATGT, ông Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương, cho biết các chương trình của đài thực hiện thời gian qua, đặc biệt là các chương trình thực tế, trực tiếp đã thu hút đông đảo khán, thính giả. Những chương trình thiết thực có thể kể đến, như: Phát thanh trực tiếp “Giao thông giờ cao điểm”, chuyên mục “Đằng sau tay lái”, “Câu chuyện giao thông”, chương trình “Pháp luật và cuộc sống”, phóng sự, ghi nhanh, phản ánh các vấn đề về tình hình trật tự ATGT…

Báo Bình Dương cũng có những chuyên trang, chuyên mục về trật tự ATGT chuyển tải kịp thời thông tin đến bạn đọc. Những loạt bài, phóng sự truyền hình, chuyên đề tập trung cho các đợt cao điểm, lễ, tết đã góp phần đăng thông tin, tuyên truyền trật tự ATGT, xây dựng văn hóa giao thông cho người dân. Công tác tuyên truyền còn nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho mọi người...

 Trong công tác tuyên truyền, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp Sở Giao thông - Vận tải, Công an tỉnh, Ban ATGT tỉnh xem xét, đề xuất thiết lập số điện thoại đường dây nóng chung của tỉnh về tiếp nhận và phối hợp xử lý thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự ATGT, tai nạn giao thông. Chú trọng phương án tích hợp sử dụng số điện thoại Tổng đài “1022” của tỉnh. Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng, đăng tải trên báo in về trật tự ATGT để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, đưa thông tin nhanh hơn; phổ biến pháp luật liên quan về trật tự ATGT đến người dân nhanh chóng hơn, phong phú hơn...

 QUỲNH NHƯ - NAM NI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên