Tín hiệu phục hồi từ các doanh nghiệp chế biến gỗ

Cập nhật: 27-08-2013 | 00:00:00

 Thị trường hồi phục

Theo Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, từ đầu năm đến nay, ngành chế biến gỗ xuất khẩu bắt đầu có những dấu hiệu tăng trưởng ổn định trở lại. Các DN đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 9-2013 với các đối tác Nhật Bản, Mỹ, EU, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các mặt hàng gỗ bàn ghế ngoài trời. Ngoài ra trong năm nay, các mặt hàng gỗ xây dựng, gỗ nội thất cũng đã nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường Nhật Bản và Trung Quốc… Do ký kết được nhiều đơn hàng nên lượng hàng hóa đã xuất khẩu của các DN ngành gỗ tính đến thời điểm hiện tại tăng tương đối khá. Đơn cử, Công ty TNHH Phát Triển đã xuất khẩu được khoảng 20 triệu USD, đạt gần 60% kế hoạch, tăng gần 20% so với cùng kỳ; Công ty Mori Shige đã xuất khẩu được gần 15 triệu USD, đạt khoảng 50% kế hoạch năm 2013.

Bên cạnh những tín hiệu phục hồi của thị trường, gia tăng các đơn hàng xuất khẩu, DN ngành gỗ hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Đó là giá nguyên phụ liệu, giá gia công xuất khẩu có dấu hiệu tăng nhẹ. Theo Sở Công thương, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, Chilê, New Zealand tăng từ 7 - 15% so với cùng kỳ… Để đối phó với tình hình, nhiều DN đã tính toán thay thế gỗ nhập khẩu bằng các loại gỗ trong nước có chất lượng tương đương, đặc biệt là ván gỗ, ván dăm... Thêm vào đó, giá gỗ nguyên liệu trong nước ổn định, không tăng so với cùng kỳ. Vì thế, khi chuyển hướng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước đã giúp DN giữ ổn định được chi phí đầu vào, bảo đảm được giá thành hợp lý khi xuất khẩu.

Cơ hội mới đang đến

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương nhận định, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN hiện đã sáng sủa hơn rất nhiều. Các DN trong hiệp hội đều duy trì được sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Thậm chí, có DN đã bắt đầu có quyền lựa chọn các đơn hàng thay vì đơn hàng nào, dù cao hay thấp cũng nhận như trước kia. “Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương vừa đón tiếp 2 tập đoàn lớn đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản. 2 tập đoàn này đã đề nghị phía hiệp hội giới thiệu giúp các nhà cung cấp các sản phẩm gỗ chế biến có uy tín để đặt hàng. Trước thông tin này, Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương đã liên hệ với nhiều DN thành viên để lấy profie của DN, cung cấp cho 2 tập đoàn này…”, ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Thanh, việc các đối tác nhập khẩu lớn đến Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương tìm nhà cung cấp là một tín hiệu đáng mừng. Trên thực tế, giá nhân công ở một vài quốc gia cung ứng mặt hàng gỗ chế biến có xu hướng tăng. Thêm vào đó, một số điều kiện kinh tế - chính trị trong nước và khu vực thuận lợi cũng là một tác nhân để các tập đoàn lớn tìm đến Việt Nam đặt hàng, tạo ra những cơ hội cho các DN chế biến gỗ tại Bình Dương. Tuy nhiên, ông Huỳnh Quang Thanh cũng cho rằng, việc 2 tập đoàn lớn trên tìm đến Bình Dương đặt hàng mở ra cơ hội phát triển cho DN gỗ tại địa phương, nhưng nếu các DN không đáp ứng được chất lượng cho các đơn hàng thì cũng rất khó được phía đối tác chấp nhận. Vì thế, để tận dụng được cơ hội này, hiệp hội sẽ phải tìm hiểu, giới thiệu những DN có thể bảo đảm tốt về chất lượng các sản phẩm bởi những yêu cầu của nhà nhập khẩu đặt ra rất khắt khe.

Với những tín hiệu khá tích cực của ngành chế biến gỗ từ đầu năm đến nay, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh nhận định, các DN gỗ sẽ tiếp tục duy trì tốt sản xuất, kinh doanh trong năm 2013. Cụ thể, theo ước tính, tốc độ tăng trưởng doanh số của các DN ngành gỗ sẽ đạt khoảng trên 10%. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các DN chế biến gỗ Bình Dương cũng sẽ đạt khoảng 1,6 tỷ USD.

 THÀNH SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=235
Quay lên trên