“Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Tinh thần đó của Trung ương Đảng đã được Xứ ủy Nam kỳ lĩnh xướng và phát động cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ngày 23-11-1940.
Cuộc biểu dương lực lượng cách mạng của quân dân Nam bộ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và phải chấp nhận những tổn thất, nhưng 77 năm đã trôi qua vẫn vang mãi một khí phách kiêu hùng. 20/21 tỉnh, thành Nam bộ thời thuộc Pháp nhất tề nổi dậy, chủ động tiến công, phá ách nô lệ… Cuộc khởi nghĩa thất bại bởi thời cơ chưa chín muồi nhưng vượt lên trên tất cả “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng”.
Tám năm sau những ngày Nam kỳ khởi nghĩa, năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 163 tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Ðội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940. Sắc lệnh của Người chính là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam kỳ qua cuộc khởi nghĩa giàu tính biểu tượng này.
Lịch sử Nam bộ là lịch sử của một vùng đất giàu truyền thống chống ngoại xâm. Trước và sau cuộc khởi nghĩa này, vùng đất can trường Nam bộ ghi dấu ấn vàng son trong lịch sử dân tộc bằng hàng loạt chiến công. Cùng với cả nước, người Nam bộ giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng 8-1945. Và sau đó không lâu, theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhân dân Nam bộ lại bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai, ngày 23-9-1945. Nam bộ đi trước về sau, kháng Pháp thành công lại ròng rã 21 năm khốc liệt với chiến trường chống Mỹ với biết bao dấu son còn đó.
Sơn hà nguy biến, người Nam bộ sẵn lòng xả thân. Nhắc nhớ về ngày Nam kỳ khởi nghĩa cũng chính là ôn lại truyền thống chống ngoại xâm trung dũng kiên cường của vùng đất này. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là biểu tượng của sức mạnh lòng dân. Người Nam bộ đi theo tiếng gọi của Đảng, của non sông để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nam kỳ khởi nghĩa - bản hùng ca ngày ấy vang mãi với thời gian, đi cùng với lịch sử dân tộc chính là vậy!
CẢNH HƯỞNG