Vươn lên từ sự sẻ chia

Cập nhật: 20-04-2016 | 07:56:39

 

 Mỗi người một chí hướng, một mục tiêu làm kinh tế nhưng điểm chung ở những người lính Cụ Hồ năm xưa, đó là tinh thần vượt khó, vận dụng hài hòa tiềm lực bản thân, gia đình, kết hợp với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, đặc biệt là sự giúp đỡ hỗ trợ của Hội cựu chiến binh (CCB) các cấp và đồng chí, đồng đội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì lẽ đó, quá trình làm kinh tế của các CCB luôn phát triển bền vững, bảo đảm tốt hơn cho cuộc sống gia đình.

 Ông Lê Văn Tiếp, hội viên CCB ấp Thị Tính, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng là một điển hình. Năm 1993, sau khi xuất ngũ trở về cuộc sống đời thường, cuộc sống gia đình ông phải trải qua nhiều vất vả, lo toan. Tài sản, vốn liếng không có, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân cao su của vợ. Nhưng với kinh nghiệm và phát huy truyền thống tự lực, tự cường trong môi trường quân ngũ, ông đã chắt chiu, dành dụm được một số vốn mua đất trồng cây cao su, kết hợp trồng các loại rau màu để lấy ngắn nuôi dài. Thế nhưng bước đầu ông cũng trải qua không ít thất bại, bởi trình độ cũng như kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt không có. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành và Hội CCB, trang bị những kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi, trồng trọt… ông Tiếp đã vận dụng một cách hợp lý, khoa học những kỹ thuật này trong sản xuất. Đến nay, ông đã gây dựng được một cơ ngơi vững chắc.

Không những chí thú làm giàu, với thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm, CCB Lê Văn Tiếp còn có nhiều hoạt động xã hội để sẻ chia những khó khăn với cộng đồng, nhất là với những đồng chí, đồng đội hiện có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống gia đình. Chính những đóng góp tích cực này, ông không những cùng với chính quyền địa phương nâng cao mức sống cho các đối tượng chính sách, người nghèo, mà còn góp phần tăng cao tỷ lệ hộ gia đình khá, giàu trong Hội CCB huyện Dầu Tiếng. Theo ông Nguyễn Gia Lai, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Dầu Tiếng, với sự giúp đỡ và sẻ chia giữa các CCB trong hội, đến nay, Hội CCB huyện đã nâng tỷ lệ hộ khá, giàu lên trên 70%, 20% hộ trung bình và đang phấn đấu giải quyết gần 10% hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Đến với phường Hiệp An, TP.TDM, chúng tôi được tìm hiểu về quá trình làm kinh tế của gia đình CCB Nguyễn Chánh Tâm. So với nhiều CCB làm kinh tế giỏi khác, CCB Nguyễn Chánh Tâm có nhiều thuận lợi hơn. Bởi ông không những là người đã từng tốt nghiệp đại học luật, mà còn có thuận lợi về vốn và đất đai được thừa hưởng từ gia đình. Chính những thuận lợi đó nên ông đã có mô hình làm kinh tế ở địa bàn đô thị phát triển nhanh như phường Hiệp An, TP.TDM.

Với tinh thần sẻ chia những khó khăn đối với những công nhân xa nhà, nên việc kinh doanh của CCB Nguyễn Chánh Tâm luôn phù hợp khả năng và yêu cầu của mọi đối tượng khi đến thuê nghỉ trọ, gửi con em hay đặt tiệc, thuê đồ cưới. Vì thế, các hoạt động kinh doanh của ông diễn ra khá thuận lợi và luôn nhận được sự tín nhiệm cao, khách hàng tìm đến ngày càng đông. Kinh tế ổn định, đời sống gia đình khá giả, các hoạt động nghĩa tình trong các hội CCB các địa phương ngày càng sôi nổi, có chiều sâu. Nhất là các hoạt động giúp nhau vượt khó, ổn định cuộc sống… thường xuyên được thực hiện bằng tất cả nghĩa tình và các việc làm cụ thể, thiết thực. Đây là điều kiện thuận lợi để trong thời gian tới, các cấp Hội CCB trong toàn tỉnh Bình Dương phấn đấu không còn hộ CCB nghèo; đồng thời, góp phần tích cực vào các chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm của địa phương.

 LIÊM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên