Xã Bạch Đằng, huyện Tân Uyên: Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất nông sản giá trị cao

Cập nhật: 21-02-2013 | 00:00:00

 Cây bưởi lâu nay vốn là thế mạnh và là loại cây trồng chủ lực của người dân xã Bạch Đằng. Với nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp, cây bưởi đang trở lại thành cây trồng chính trên vùng đất này. Nhiều vườn cây trước đây bị sâu bệnh tàn phá nay đã được khôi phục và cải tạo. Màu xanh của cây bưởi đang dần “lấn át” các loại cây trồng khác. Diện tích đất lúa cũng đang dần được thu hẹp để tập trung phát triển cây bưởi. Hiện tại, diện tích trồng bưởi của Bạch Đằng đã lên trên 400 ha. Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết trên 84 ha bưởi thuộc dự án 100 ha bưởi đặc sản thực hiện tại Bạch Đằng đang phát triển tốt. UBND xã cũng đã cho triển khai Quyết định 45/2012/QĐ-UB của UBND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ gìn và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản Bình Dương giai đoạn 2013-2016. Đây chính là điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển diện tích cây bưởi đặc sản của Bạch Đằng với 2 loại bưởi đặc sản là bưởi ổi và bưởi đường lá cam. Nông dân Bạch Đằng cũng rất quan tâm đến chính sách này và nhiều người đã đăng ký để nhận hỗ trợ.

Để có được kết quả cao trong việc giữ gìn diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng vườn bưởi như hiện nay, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã được UBND xã Bạch Đằng chú ý đẩy mạnh. Nhiều lớp tập huấn và nhiều đợt tham quan đã được mở ra để nông dân nâng cao trình độ sản xuất. Anh Nguyễn Hữu Tâm, một hộ trồng bưởi tại đây cho biết: “Được tham gia các lớp tập huấn, tham quan các mô hình trồng bưởi rất bổ ích cho chúng tôi. Nhờ đó mà việc canh tác của chúng tôi đã khoa học hơn. Chúng tôi đã nắm vững được những nguyên tắc để làm ra sản phẩm bưởi có chất lượng như bón phân hợp lý, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật…”. Thực hiện sản xuất khoa học, bài bản chính là con đường để nâng cao thu nhập cho những người trồng bưởi ở Bạch Đằng. Ngoài anh Tâm, nhiều nông dân tại Bạch Đằng cũng đã ứng dụng các kiến thức tập huấn vào thực tế sản xuất một cách hiệu quả như quy hoạch lại vườn cây, vệ sinh vườn cây…

Ngoài thế mạnh về cây bưởi, Bạch Đằng cũng có nhiều lợi thế cho việc phát triển hoa màu theo hướng an toàn. Hiện nay, giá trị sản xuất hoa màu tại Bạch Đằng đã đạt 120 triệu đồng/ha/năm. Các mô hình điểm trồng rau an toàn cũng đang được UBND xã Bạch Đằng chú ý, cũng như hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho các hộ trồng rau màu trong thời gian tới nhằm tăng diện tích sản xuất rau an toàn.

Xã Bạch Đằng đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” và bưởi Bạch Đằng trong dịp tết vừa qua đã có mặt tại một số thị trường miền Bắc. Bạch Đằng cũng đã xây dựng được tổ hợp tác về cây bưởi. Đây chính là các điều kiện tốt để cây bưởi Bạch Đằng tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Ông cho biết thêm: “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố chất lượng các vườn bưởi cũng như tạo điều kiện cho nông dân phát triển thêm diện tích cây bưởi. Chúng tôi đã xác định cây bưởi chính là cây trồng chủ lực của Bạch Đằng. Chúng tôi chú trọng đến việc trồng bưởi theo hướng sạch gắn với nhãn hiệu tập thể để bảo đảm thương hiệu bưởi Bạch Đằng lâu nay và nhắm đến việc đưa sản phẩm bưởi Bạch Đằng ra thị trường nước ngoài. Song song với đó, chúng tôi sẽ chú ý gắn phát triển cây bưởi với du lịch sinh thái. Bạch Đằng cũng rất cần nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành để phát triển loại hình du lịch sinh thái tại đây”.

 CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=289
Quay lên trên