Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo hộ nghèo

Cập nhật: 28-09-2020 | 08:04:29

Những năm qua, công tác an sinh xã hội trên địa bàn huyện Dầu Tiếng luôn được các ban, ngành quan tâm, chú trọng thực hiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, tạo nguồn vốn vay giúp các hộ nghèo vươn lên, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) được địa phương đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có được cuộc sống ấm no.

 Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh khảo sát, kiểm tra công tác giảm nghèo tại các hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện Dầu Tiếng

 Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Huyện Dầu Tiếng đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Quyết định 1956/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho LĐNT, các chương trình, chính sách đào tạo, giới thiệu việc làm và các chương trình đào tạo nghề phù hợp với đối tượng LĐNT. Ông Nguyễn Công Nhân, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Dầu Tiếng, cho biết: “Huyện tập trung vào những ngành nghề có khả năng tạo việc làm cho người lao động (NLĐ), phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các lớp đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả tích cực và đặc biệt có ý nghĩa với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất và trình độ sản xuất hạn chế. Qua đó, giúp NLĐ nói chung, người nghèo nói riêng có thể tìm được việc làm, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhờ đó, đã có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có thu nhập trung bình, trở thành hộ có mức thu nhập khá”.

Bên cạnh công tác giảm nghèo, các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện, các ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động và thực hiện công tác đào tạo nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho LĐNT, cũng như thực hiện các chính sách về khuyến công, khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật; ưu đãi về giáo dục, đào tạo, y tế và dân số.

Huyện tiếp tục mở rộng ngành nghề, tăng số lượng và hiệu quả đào tạo theo yêu cầu sử dụng lao động 2 cấp trình độ trung cấp nghề và sơ cấp nghề để đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện đã mở 4 lớp trung cấp kế toán - tin học, 2 lớp trung cấp trồng trọt và 1 lớp trung cấp điện với 338 học viên là học sinh của trung tâm, phần nào đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Cũng theo ông Nhân, trên địa bàn Dầu Tiếng có rất ít lao động nhập cư, chủ yếu là lao động tại địa phương. Khi đã đào tạo nghề, địa phương có nhiều cách tìm việc làm, bảo đảm những người học nghề phải có việc làm. Hàng năm, các bộ phận chuyên môn giới thiệu NLĐ tham gia sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức hàng tháng, ngày hội việc làm huyện, tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn. Một hình thức khác là trực tiếp liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm việc cho NLĐ. Kết quả, 23.666 lao động đã được giới thiệu giải quyết việc làm, góp phần hạn chế tình trạng thất nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.

Quan tâm đến hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với sự quan tâm của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, những năm qua, các ban, ngành trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người nghèo. Các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chế độ kịp thời, đầy đủ, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; đồng thời, gắn công tác giảm nghèo với phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh, giải quyết các vấn đề xã hội; huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo. Huyện đã chi hỗ trợ tiền điện hộ nghèo từ năm 2016 đến 2019 cho 2.143/8763 lượt hộ nghèo với số tiền trên 1,2 tỷ đồng, chi tiền tiền tết cho 1.895 hộ nghèo với số tiền 2,7 tỷ đồng.

Hàng năm, UBND huyện phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại hộ nghèo trên địa bàn một số xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo; từ đó, đề ra biện pháp giảm nghèo thiết thực; kịp thời, duy trì tổ chức giao ban, đánh giá tình hình thực hiện công tác giảm nghèo một quý/lần tại huyện. Riêng đối với các xã, thị trấn tổ chức giao ban hàng tháng để nắm bắt kịp thời những nhu cầu cần hỗ trợ của những hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm phát huy hiệu quả các chương trình giảm nghèo sâu rộng trên địa bàn từng khu, ấp. Ông Nguyễn Công Nhân cho biết: “Để người nghèo thoát nghèo bền vững, bên cạnh đào tạo nghề, công tác giám sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hộ nghèo cũng được huyện thực hiện, từ đó tìm ra cách để giúp người nghèo. Khi địa phương tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, phải biết họ vay để làm gì, có hiệu quả hay không, để kịp thời tư vấn, trợ giúp. Công tác chăm lo cho học sinh nghèo, người có công luôn được địa phương quan tâm”.

Chăm lo người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, hàng năm, huyện phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật cho đồng bào, tập huấn khuyến nông, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất các nơi (trong giai đoạn 2014-2019 có hơn 2.000 lượt đồng bào DTTS tham gia). Huyện còn tổ chức gặp mặt, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, thăm đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chol Chnam Thmay; thăm đồng bào dân tộc Chăm (theo đạo Hồi) nhân dịp tháng Ramadan; thăm, tặng quà người có uy tín trong đồng bào DTTS nhân các dịp lễ, tết và thăm, tặng quà người DTTS cao tuổi nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi. Huyện còn hỗ trợ, xây dựng 8 căn nhà tình thương và 1 căn nhà đại đoàn kết cho 9 hộ là đồng bào DTTS tại xã Minh Hòa và Minh Tân với tổng số tiền 489 triệu đồng. Đồng thời, huyện còn tạo điều kiện cho 1 hộ đồng bào dân tộc vay vốn ưu đãi từNgân hàng Chính sách xã hội huyện mua xe để đưa đón con, em dân tộc Chăm đến trường...

Nhờ sự quan tâm, chăm lo mọi mặt, giúp người nghèo vươn lên, nên những năm qua tình hình an ninh trật tự trên địa bàn huyện Dầu Tiếng khá ổn định, đời sống NLĐ có nhiều đổi thay.

 Trong giai đoạn 2016- 2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện đã tổ chức dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện gồm các nghề: May gia dụng, nấu ăn đãi tiệc, trang điểm, cắm hoa, chăn nuôi thú y, trồng và chăm sóc cây măng cụt, trồng và nhân giống nấm, tạo dáng cây cảnh... Qua đó, 41 lớp dạy nghề cho lao động được mở với 1.151 học viên tham gia. Trong đó 25 lớp phi nông nghiệp có 686 học viên, 16 lớp nông nghiệp có 475 học viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn còn tập huấn, dạy nghề cho công nhân, NLĐ. Trung bình mỗi năm có 3.000 lượt người tham gia và được nhận vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp.

QUANG TÁM  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên