Bảo đảm an toàn bữa ăn học đường

Cập nhật: 22-03-2019 | 08:08:16

Sự việc thịt heo nổi đầy hạch xuất hiện trong bếp ăn ở một trường mầm non tỉnh Bắc Ninh được lan truyền trên mạng xã hội, khiến phụ huynh lo lắng ồ ạt đưa con đi xét nghiệm sán heo trong những ngày qua đang dấy lên hồi chuông cảnh báo vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm học đường. Ngay sau sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục, trong đó nhấn mạnh vai trò của Ban giám hiệu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và lãnh đạo các địa phương. 

Công văn của Bộ GD-ĐT nêu rõ, thời gian gần đây, một số trường học đã để xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng và các bệnh lây qua đường tiêu hóa liên quan đến bữa ăn học đường. Những vụ việc nói trên đã và đang làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh, uy tín của nhà trường, gây lo lắng cho gia đình học sinh và bức xúc dư luận xã hội. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng nói trên là do khâu kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm đầu vào của nhà trường chưa chặt chẽ; quy trình giao nhận, kiểm thực và lưu mẫu thức ăn sau chế biến tại các bếp ăn học đường chưa được tuân thủ đầy đủ.

An toàn vệ sinh thực phẩm tuy đã được các phương tiện thông tin đại chúng nhắc đến hàng ngày trong đời sống xã hội, nhưng tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm ôi thiu, thực phẩm mang mầm bệnh tuồn vào bếp ăn học đường vẫn còn xảy ra. Để ngăn chặn tình trạng này, hướng đến bảo đảm vệ sinh, an toàn bữa ăn học đường, trách nhiệm trước tiên thuộc về Ban giám hiệu các trường và bộ phận bếp ăn của chính ngôi trường đó. Nếu các trường thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm đầu vào và kiên quyết “nói không” với thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, sẽ góp phần ngăn chặn từ đầu các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Cùng với Ban giám hiệu nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phối hợp với nhà trường, cử đại diện trực tiếp vào cuộc giám sát, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến thức ăn hàng ngày cho con em mình. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh thì trách nhiệm của nhân viên nhà bếp học đường chắc chắn sẽ được nâng lên. Nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh không “khoán trắng” bữa ăn của con em mình cho nhà trường thì những sự việc, như: Ngộ độc thực phẩm, nhiễm ký sinh trùng và các bệnh lây qua đường tiêu hóa… liên quan đến bữa ăn học đường sẽ không xảy ra.

Cuối cùng là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bên cạnh việc chỉ đạo Sở GD-ĐT, Sở Y tế và các cơ quan liên quan nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh thực phẩm bếp ăn học đường, lãnh đạo chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố cần quan tâm vào cuộc bằng các chương trình kiểm tra, giám sát thường xuyên hoặc đột xuất đối với bếp ăn tập thể nói chung và bếp ăn học đường nói riêng. Việc tăng cường kiểm tra, giám sát và tăng chế tài xử phạt với các hành vi vi phạm là cần thiết để bảo đảm an toàn bữa ăn học đường. Có như vậy thì trách nhiệm, đạo đức của người quản lý các cơ sở giáo dục, người kinh doanh mới được nâng lên.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Bắc Ninh

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên