Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng: Người dân cần chủ động phòng chống

Cập nhật: 06-01-2015 | 09:11:05

Theo số liệu của ngành y tế, những tháng cuối năm 2014, dù không phải mùa cao điểm nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận ca bệnh bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM). Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh của ngành y tế, để phòng ngừa hai bệnh này cần có sự tham gia tích cực và chủ động của người dân…

Cộng tác viên y tế đến hộ dân để tuyên truyền về phòng chống bệnh SXH và bệnh TCM ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên. Ảnh: C.LÝ

Bệnh SXH - cần phát hiện và xử trí kịp thời

Tính đến cuối tháng 11-2014, số bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đã vượt hơn 3.110 ca. Năm qua, bệnh SXH không xuất hiện rầm rộ như những năm trước nhưng hầu như tháng nào cũng có ca bệnh. Nhiều ca nhập viện trễ nên đã chuyển sang thể nặng, sốt cao không hạ, nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Hiện đang bước vào những ngày đầu năm mới, nhưng SXH vẫn diễn biến theo chiều bất lợi, người dân cần chủ động đề phòng.

Những năm trước, sốt xuất huyết gia tăng mạnh trong thời điểm mùa mưa. Nước mưa ứ đọng trong những vật phế thải, chai lọ và trở thành môi trường sinh sản của lăng quăng, phát triển muỗi. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, SXH xuất hiện quanh năm, hầu như tháng nào ngành y tế cũng ghi nhận vài trăm ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Theo các bác sĩ, bệnh SXH xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, với các biểu hiện như sốt cao, đau đầu, đau bụng, ăn uống kém và đau nhức tay chân. Chỉ tính trong tháng 11-2014, ngành y tế TP.Thủ Dầu Một và TX.Tân Uyên ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc SXH. TX.Thuận An đứng thứ 2 về số ca bệnh, với hơn 700 trường hợp mắc và 1 ca tử vong. Theo đánh giá của ngành y tế, sau khi thực hiện các vòng của chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống bệnh SXH và bệnh TCM, số ca bệnh có giảm đáng kể. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn sau đó số ca SXH đã nhanh chóng tăng trở lại ở các địa bàn. Điều đáng mừng là do được đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống bằng nhiều kênh khác nhau nên người dân đã có sự hiểu biết về bệnh SXH và biết cách chủ động phòng chống bệnh ngay tại nhà. Điều cần lưu ý là cần cảnh giác với những biểu hiện bệnh để có hướng xử trí đúng khi nghi ngờ bản thân, người nhà mắc SXH.

Theo bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa nhi BVĐK tỉnh, SXH là một trong những bệnh nguy hiểm vì bệnh diễn tiến nhanh và có thể gây tử vong. Hiện, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc chủng ngừa và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, người dân có thể phòng tránh bằng việc vệ sinh môi trường sống thường xuyên, phát quang bụi rậm, diệt muỗi, diệt lăng quăng thường xuyên trong những vật chứa nước trong nhà và quanh khu vực sinh hoạt của gia đình. Cần nghĩ ngay đến khả năng mắc SXH khi có các biểu hiện sốt cao liên tục và đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm máu, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh bệnh trở nặng khó điều trị.

Chủ động phòng chống bệnh TCM

TCM là một trong những bệnh thường gặp ở trẻ em. Bệnh được xem là nguy hiểm bởi những biến chứng có thể gặp phải, thậm chí là tử vong. Trong những tháng cuối năm 2014, số ca bệnh TCM ở Bình Dương tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Ngành y tế vẫn đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giám sát ca bệnh, thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tại các trường học trên địa bàn và trong cộng đồng để phát hiện sớm, điều trị hiệu quả cho những trường hợp mắc bệnh.

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt cho biết, bệnh TCM thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Những biểu hiện của bệnh thường thấy như sốt, nổi bóng nước trong lòng bàn tay, bàn chân và loét miệng. Trong những ngày cuối năm 2014, dù không phải là cao điểm của bệnh, nhưng tại khoa nhi, BVĐK tỉnh vẫn liên tục tiếp nhận những trường hợp điều trị nội trú. Hàng chục trường hợp mắc bệnh ở thể nhẹ được bác sĩ thăm khám và cho phép theo dõi sức khỏe tại nhà.

Theo số liệu thống kê của ngành y tế, tính đến cuối tháng 11-2014, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.900 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng hơn 700 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Đa phần bệnh nhi đều mắc bệnh ở thể nhẹ, điều trị nội trú vài ngày đều có thể xuất viện về nhà. Tuy nhiên, bệnh TCM có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng khá lớn, đặc biệt là ở đối tượng trẻ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Minh Nguyệt cũng lưu ý các bậc cha mẹ nên giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, không nên cho trẻ tiếp xúc với trẻ đang bệnh. Nếu con em mình trong độ tuổi đến trường bị bệnh TCM, nên cho trẻ ở nhà để hạn chế lây bệnh cho người khác.

Trong năm 2014, ngành y tế tỉnh nhà đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, giúp người dân thay đổi hành vi và hạn chế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, ở những khu vực đông dân cư, lao động ngoại tỉnh ở trọ nhiều việc tuyên truyền vẫn chưa đến được tất cả các phòng trọ. Ngành y tế vẫn đang phối hợp với ngành giáo dục tuyên truyền phòng chống bệnh TCM đến từng phụ huynh; thông qua lực lượng cộng tác viên y tế, các chủ nhà trọ tuyên truyền những thông tin cảnh báo, khuyến cáo phòng chống bệnh cụ thể. Biện pháp phòng bệnh TCM dễ làm mà hiệu quả nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho người chăm sóc trẻ và trẻ em để diệt khuẩn, ăn uống hợp vệ sinh và giữ vệ sinh môi trường sống. Điều còn lại là người dân cần chủ động phòng chống bệnh tại nhà nhằm bảo vệ sức khỏe con em mình.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên