Cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật: 16-09-2015 | 08:54:02

Là xứ có khí hậu nhiệt đới, hàng năm cứ vào mùa mưa, khi có điều kiện thuận lợi thì muỗi mang virus truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) lại sinh sôi nảy nở. Điều này gần như có tính chu kỳ lặp đi lặp lại hàng năm, vì vậy đó là yếu tố dễ nhận biết để công tác phòng chống bệnh SXH đạt hiệu quả cao. Ấy vậy mà dường như năm nào dịch SXH cũng bùng phát, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tài sản và tính mạng của con người, nhất là đối với trẻ em.

Hiện nay, SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị, vì vậy công tác phòng ngừa vẫn được đặt lên hàng đầu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/ bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Nếu cơ quan chức năng và các địa phương làm tốt điều này bằng cách khơi thông cống rãnh, phun thuốc muỗi theo định kỳ và tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng chắc hẳn sẽ khó mà có dịch SXH bùng phát đến mức cao như hiện nay.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 8 tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc SXH tại 50/53 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam, là nơi có tập quán trữ nước, khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, TP.HCM có số ca bệnh nhiều nhất với gần 7.900 người, sau đó là Đồng Nai hơn 4.500 ca và Bình Dương 2.500 ca… Các trường hợp tử vong do SXH là 18 trường hợp được ghi nhận tại 10 tỉnh, chủ yếu tập trung tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Y tế nhận định tình hình SXH năm 2015 sẽ tăng cao nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Khi dịch bùng phát cao mới ra quân dập dịch, diệt lăng quăng, bọ gậy, phun thuốc thì e rằng đã muộn.

Về phía người dân, việc tự giác vệ sinh môi trường, phòng bệnh ngay tại nơi ở cũng chưa cao bởi chưa ý thức hết được nguy cơ của dịch bệnh cũng như cách phòng bệnh. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đa số các bệnh nhân SXH nhập viện đều trong tình trạng bệnh đã nặng vì tự điều trị ở nhà, thậm chí có trường hợp đã có biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, do SXH có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh sốt virus thông thường nên nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tới các trung tâm y tế khám bệnh, dẫn tới bệnh nặng đe dọa tới tính mạng. Tuy nhiên, nói vậy không đồng nghĩa với việc lỗi hoàn toàn thuộc về người dân mà phải khẳng định rằng, công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này của cơ quan chuyên môn cần được tiến hành một cách mạnh mẽ để mang lại hiệu quả cao hơn.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên