Công nhân và chuyện sống thử

Cập nhật: 03-08-2016 | 08:36:30

Quê nhà nghèo khó, 18 tuổi, Nguyễn Thị Hạnh vào Bình Dương lập nghiệp và làm công nhân may ở KCN Hài Mỹ, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An. Cuộc sống công nhân xa gia đình, người thân làm Hạnh luôn cảm thấy cô đơn, buồn tủi. Tình yêu đã đến với Hạnh như động lực giúp chị vượt qua khó khăn. Hoàng Văn Tuyến, chàng thanh niên cao lớn, làm chung công ty đã đến với Hạnh bằng tình yêu nồng thắm. Thời gian trôi qua tình yêu ấy lại càng lớn lên và tưởng chừng không thể rời xa! Ngoài giờ làm, tất cả thời gian rảnh họ đều dành cho nhau. Thấy bất tiện trong việc đưa đón tới lui nên cả hai quyết định thuê phòng trọ ở riêng bất chấp mọi khuyên can của bạn bè.

Khác với Hạnh, chị Dương Mỹ Dung người phụ nữ đã từng có gia đình. Sau hôn nhân đổ vỡ chị Dung cùng con gái lên phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên thuê phòng trọ rồi xin vào làm công nhân cho công ty gỗ. Cuộc sống mới làm Dung dần quên quá khứ buồn, dành hết tình thương cho con. Đầu năm 2009, dãy phòng trọ có thêm một người đàn ông tên Dũng tới trọ. Cảm thương hoàn cảnh, Dũng thường xuyên giúp đỡ mẹ con Dung mà không chút so đo. Rồi tình yêu nảy sinh giữa hai người, Dung vượt qua mặc cảm đến với Dũng bằng tình cảm của người phụ nữ đã một lần dang dở chuyện chồng con. Ban đầu còn sợ mọi người trong khu trọ dị nghị nhưng lâu thành quen. Dũng xin bà chủ trọ cho dọn về phòng Dung ở để tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong thời kỳ vật giá leo thang. Từ ngày có Dũng căn phòng quạnh hiu của mẹ con Dung lúc nào cũng ngập tràn tiếng nói, cười vui vẻ.

Câu chuyện góp gạo thổi cơm chung không chỉ riêng của chị Hạnh, chị Dung và cũng không xa lạ gì đối với CNLĐ. Khi đời sống vật chất được đáp ứng thì việc cần có người quan tâm chăm sóc, sẻ chia trở thành nhu cầu không thể thiếu. Vấn đề ở mỗi chúng ta, những người trẻ tuổi trẻ lòng nên xây dựng một tình yêu, cuộc sống lứa đôi bền vững.

Anh Nguyễn Cao Thái ở KCN Việt Nam - Singapore tâm sự: “Tờ hôn thú không chỉ là bằng chứng cho tình yêu mà nó còn là sợi dây vô hình để ràng buộc níu giữ hạnh phúc gia đình”. Đi ngược với quan điểm này nhiều bạn trẻ lại cho rằng: “Hôn thú chỉ là tờ giấy và những thủ tục rườm rà. Thời bây giờ nhiều đôi lứa chẳng cần cưới hỏi mà vẫn sống với nhau như vợ chồng đó thôi!”. Chính quan niệm sai lầm này đã làm nhiều cô gái phải hối hận. Dung với tình yêu của người phụ nữ đã đứt gãy một lần giờ càng xót xa đau đớn khi biết con gái mình bị “lạm dụng tình dục”. Tình yêu trở thành thù hận. Ngày tòa xét xử, Dung xin cho Dũng được hưởng mức án thấp trong khung hình phạt bởi lỗi một phần cũng do chị.

Còn Hạnh chuyện tình bồng bột của tuổi trẻ đã khiến cô nhiều lần lủi thủi một mình tới bác sĩ trong khi Tuyên thờ ơ lạnh nhạt. Những bữa cơm hạnh phúc, những lời nói ngọt ngào cũng dần dời xa. Quyết định từ bỏ Tuyên người con trai mà Hạnh cho là lý tưởng cũng là lúc chị đau đớn hay tin mình “không còn khả năng làm mẹ”! Hạnh lên chuyến xe khách chiều trở về quê trong nỗi đau, sự ân hận. Cuộc sống mới sẽ bắt đầu, nhưng liệu Hạnh, Dung và bất kỳ người con gái nào đang sống buông thả sẽ vượt lên chính mình, xây dựng cuộc sống mới.

K.HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên