Khan hiếm nguồn cung hay trục lợi?

Cập nhật: 27-04-2017 | 10:01:47

Gần một tháng qua, sau khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc”, tình hình khai thác cát trái phép tại nhiều địa phương đã dần lắng dịu. Tuy nhiên, giá cát xây dựng theo đó đã có sự “leo thang” phi mã. Nguyên nhân chính khiến giá cát xây dựng tăng mạnh được cho là do khan hiếm nguồn cung. Câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra là có hay không việc các đơn vị, cá nhân kinh doanh cát xây dựng dựa vào chủ trương này của Chính phủ để trục lợi bằng cách găm hàng làm giá, khiến giá cát xây dựng trên thị trường lên cơn “sốt”?

Cơn “sốt” giá cát hiện đã lan rộng trong phạm vi cả nước. Tính đến thời điểm này, giá cát vàng xây tô đã tăng gấp đôi so với cùng thời điểm tháng trước; giá cát đen cũng tăng 20 - 30% so với tháng trước. Nguyên nhân giá cát tăng mạnh trong thời gian qua, theo các nhà cung cấp là do nguồn cung khan hiếm. Liệu đây có phải là nguyên nhân thật hay chỉ là chiêu tung hỏa mù để trục lợi của phía các nhà cung cấp? Thực tế nguồn cung tuy có giảm ít nhiều so với trước đó bởi hoạt động khai thác cát trái phép bị ngăn chặn, song không thể là lý do chính khiến giá cát liên tục “leo thang”. Giá cát tăng mạnh trong thời gian qua chắc chắn có nguyên nhân từ yếu tố đầu cơ, làm giá của phía các nhà cung cấp, đầu nậu.

Chủ trương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” của Chính phủ là hoàn toàn đúng nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đặc biệt này. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng tài nguyên cát trên cả nước ước tính chỉ còn khoảng hơn 2 tỷ mét khối. Năm 2016 vừa qua, khối lượng cát đáp ứng nhu cầu xây dựng là khoảng 130- 140 triệu mét khối; dự báo đến năm 2020 và những năm tiếp theo, khối lượng cát đáp ứng nhu cầu xây dựng sẽ tăng lên từ 180 - 190 triệu mét khối/ năm. Về lâu dài, nguồn tài nguyên cát đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trong nước sẽ cạn kiệt nếu không có một chiến lược khai thác bền vững ngay từ bây giờ.

Bên cạnh bảo vệ nguồn tài nguyên, chủ trương của Chính phủ về đấu tranh chống “cát tặc” còn nhằm bảo vệ bờ các con sông trước tình trạng xâm thực nặng nề do nạn khai thác cát trái phép gây ra. Tại nhiều địa phương trong nước, thời gian qua đã có hàng ngàn ha đất cùng nhà cửa, vật liệu kiến trúc trên đất ven sông đã bị cuốn trôi. Mới đây nhất, chắc hẳn những ai quan tâm tin tức thời sự online đều đã được tận mắt chứng kiến cảnh người dân xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang phải vội vã khiêng tài sản tháo chạy trước khi 16 ngôi nhà cùng lúc đổ sụp xuống sông Vàm Nao. Nguyên nhân khiến sông “nuốt” nhà tại nhiều địa phương trong cả nước bên cạnh việc thay đổi dòng chảy, thời tiết cực đoan, còn có sự tiếp tay của “cát tặc”. Chủ trương của Chính phủ về đấu tranh chống “cát tặc” là hợp lòng dân; kịp thời bảo vệ nhà cửa, tài sản của những hộ dân sống ven sông.

 Chủ trương siết chặt việc khai thác cát xây dựng của Chính phủ là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nếu có sự lợi dụng chủ trương này để găm hàng làm giá thì rõ ràng đây là tiền lệ xấu, vì một chủ trương đúng của Nhà nước đang bị một số ít người lợi dụng để trục lợi. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ nguyên nhân để kịp thời ngăn chặn.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
cát tặc

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên