Khi quyền dân chủ ở cơ sở được phát huy

Cập nhật: 14-12-2017 | 08:05:09

 Pháp lệnh thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 20-4-2007 (Pháp lệnh số 34/2007/ PL-UBTVQH11) và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007. Đây là văn bản quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, một văn bản pháp lý quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Qua 10 năm thực hiện pháp lệnh, kết quả đáng ghi nhận là các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phát huy được quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra.

 10 năm qua, Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các ban ngành, đoàn thể các cấp chỉ đạo, triển khai thực hiện ngày càng sâu rộng. Điểm mấu chốt của pháp lệnh là phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua các hoạt động dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Có thể khẳng định việc triển khai, thực hiện pháp lệnh đã từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền và nghĩa vụ của công dân, tạo được bước chuyển biến tích cực về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Việc thực hiện quyền dân chủ ở cơ sở được các địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và đã đem lại hiệu quả tích cực.

Đối với các chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhờ phát huy tốt quyền dân chủ ở cơ sở, nên việc huy động nguồn lực từ nhân dân để xây dựng hạ tầng, đóng góp cho các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước đều đạt kết quả tốt, góp phần quan trọng để địa phương hoàn thành các chương trình, mục tiêu đề ra hàng năm. Bên cạnh phát huy nội lực, động viên nhân dân đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, việc phát huy quyền dân chủ ở cơ sở còn góp phần giữ vững an ninh trật tự, hạn chế những thắc mắc, khiếu kiện của nhân dân và điều quan trọng hơn cả là phát huy tinh thần dân chủ của cán bộ và nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Cùng với các kết quả nói trên, phát huy quyền dân chủ ở cơ sở còn góp phần đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể, phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy đã tác động tích cực tới việc chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức theo hướng sát dân, trọng dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu nhân dân. Công tác quản lý hành chính nhờ đó bảo đảm dân chủ, công khai. Ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn được nâng lên.

Phát huy quyền dân chủ ở cơ sở còn góp phần tăng cường sự đồng thuận xã hội, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, chống lại các âm mưu lợi dụng dân chủ, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên