Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gần như là định hướng bắt buộc phải vươn tới đối với mọi ngành nghề, lĩnh vực nếu không muốn bị tụt lại phía sau và ngành chăn nuôi cũng không thể đứng ngoài cuộc trong cuộc cách mạng mang tính toàn cầu này. Buổi tọa đàm kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao khu vực Đông Nam bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các doanh nghiệp trong, ngoài nước tổ chức tại Bình Phước vào chiều 11-12 đã mang đến thông điệp tích cực đó.
Ngành chăn nuôi các tỉnh Đông Nam bộ nhiều năm qua phát triển rất mạnh, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn với sự tham gia của khá nhiều doanh nghiệp mạnh trong cũng như ngoài nước.
Nhưng nhìn tổng thể sự liên doanh, liên kết theo chuỗi công nghệ khép kín từ đầu vào đến đầu ra của mỗi một sản phẩm chăn nuôi vẫn còn ít phổ biến. Đa phần các doanh nghiệp, các trang trại chăn nuôi, đặc biệt là hộ chăn nuôi mạnh ai nấy làm theo chiến lược của riêng mình. Thực tế đó đã dẫn đến tình trạng sức cạnh tranh yếu, giá cả thấp, sản phẩm không đạt các yêu cầu chất lượng cao của những thị trường khó tính.Và điều tất yếu đã xảy ra nhiều năm qua đó là ngành chăn nuôi liên tục gặp khó, người chăn nuôi thua lỗ nặng.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp tại khu vực miền Đông Nam bộ đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa, thậm chí số hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ông cho biết cụ thể, tại các trang trại của Tập đoàn Hùng Nhơn đều đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất để hạn chế nhân công và nâng tầm sản phẩm, đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu qua các thị trường khó tính. Đó chính là quy trình khép kín từ giống đầu vào, thức ăn, nước uống được điều phối tự động với hàm lượng chính xác cao, giảm hao hụt giống, giảm khí thải nhà kính, tự động hóa từ thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến. Tất cả quy trình đều áp dụng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ứng dụng điện toán đám mây để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Quả thật đó là những thông tin hữu ích đối với những doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trong toàn vùng. Nhưng để thực hiện được một quy trình chăn nuôi khép kín như đã nêu thật không dễ để thực hiện. Quy trình đó đòi hỏi từ nhân lực, vật lực và với quyết tâm theo đuổi mạnh của những người chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, bên cạnh là sự vào cuộc hỗ trợ tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương. Từ vốn liếng, kỹ thuật, liên kết sản xuất, giao thương… tất cả đều đòi hỏi một tư duy làm ăn mới, đòi hỏi cao của thị trường.
Khó khăn để áp dụng công nghệ chăn nuôi 4.0 nhưng không thể đứng nhìn nếu muốn chăn nuôi phát triển, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường trong cũng như ngoài nước. Ngành nông nghiệp Bình Dương, trong đó có chăn nuôi đã và đang hướng đến công nghệ cao với nhiều mô hình hiệu quả. Nhưng chừng đó là chưa ngang tầm phát triển. Nhìn thấy khó khăn từ thực tại, Bình Dương một mặt khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại trong ngành chủ động liên doanh, liên kết, áp dụng công nghệ vào sản xuất. Mặt khác Bình Dương đã có chủ trương phối hợp cùng trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh để đào tạo nhân lực, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Đó có thể coi là bước chuẩn bị cần thiết, phù hợp để nông nghiệp Bình Dương có thêm điều kiện phát triển cao, bền vững trong một thị trường mang tính cạnh tranh toàn cầu.
TRIỆU PHONG