Liên kết, hợp tác để cùng phát triển

Cập nhật: 05-10-2018 | 08:46:55

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đứng trong top đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI, Bình Dương có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng địa phương đã triển khai thực hiện kế hoạch về việc phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, cơ hội tuy nhiều nhưng khó khăn cũng không ít.

 Thuận lợi trước tiên của Bình Dương là có lợi thế về vị trí địa lý như giáp TP.Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đây là những địa phương có nền kinh tế sôi động bậc nhất cả nước, luôn đứng trong top đầu về thu hút vốn đầu tư với cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển đồng bộ, kết nối với nhiều vùng kinh tế trong nước và quốc tế. Cùng với lợi thế về địa lý, Bình Dương còn là nơi có nhiều khu công nghiệp với quy mô lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất với đa dạng các chủng loại sản phẩm xuất khẩu, tạo ra nguồn hàng dồi dào cho các hoạt động dịch vụ logistics.

Thuận lợi tiếp theo là hạ tầng logistics của Bình Dương phát triển khá đồng bộ, bao gồm hệ thống cảng sông, cảng cạn, kho bãi hàng hóa, dịch vụ hải quan và hệ thống đường bộ liên hoàn. Các cảng sông như Bà Lụa, An Sơn, Thạnh Phước… hiện có khả năng tiếp nhận tàu thuyền chuyên vận chuyển container hàng hóa xuất khẩu đến các cảng biển trong khu vực bằng đường thủy. Hệ thống cảng cạn (ICD) được hình thành khá sớm và hiện nhiều ICD đã được phát triển với quy mô lớn. Tại các cảng sông, cảng cạn trên địa bàn tỉnh đều có dịch vụ hải quan, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Cùng với các lợi thế nói trên, hệ thống giao thông đường bộ của Bình Dương thời gian qua phát triển mạnh và đồng bộ, kết nối mạng lưới giao thông của tỉnh với mạng lưới giao thông quốc gia, bảo đảm tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa. Trên các tuyến đường giao thông lớn của tỉnh đều có hệ thống kho bãi hàng hóa do doanh nghiệp đầu tư hoạt động trong lĩnh vực logistics. Các kho hàng hóa đường bộ này đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Lợi thế tuy nhiều, nhưng Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển dịch vụ logistics. Khó khăn trước tiên cần phải kể đến là thiếu nguồn vốn để thực hiện phát triển hạ tầng logistics như xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ; nạo vét, khai thông hệ thống đường sông. Khó khăn tiếp theo là đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics có quy mô nhỏ, chủ yếu cung cấp các dịch vụ nội địa với giá thành cao, nên sức cạnh tranh còn hạn chế. Cùng với đó là trình độ quản lý và năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn rất thấp, cộng với các rào cản về cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ, khiến doanh nghiệp trong tỉnh khó cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực của nước ngoài.

Để giải quyết những khó khăn nêu trên, Bình Dương đã quyết định thành lập và đưa vào hoạt động Hiệp hội logistics tỉnh Bình Dương. Việc thành lập Hiệp hội logistics là cần thiết nhằm tập hợp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này vào một tổ chức, từ đó phát huy tính liên kết, hợp tác để cùng phát triển.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
logistics

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên